Thời gian qua, do xác định mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông là một trong những lĩnh vực đột phá nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội nên tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp huy động tối đa các nguồn lực.
Thi công cầu trên tuyến tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21
(cầu Lạc Quần) đến cầu Sa Cao.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương luôn giữ vai trò nòng cốt, lồng ghép với các nguồn ngân sách Trung ương, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch có tính kết nối vùng, kết nối trung tâm các huyện. Các cấp, ngành thường xuyên rà soát để kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các thủ tục về thanh toán, quyết toán để giải ngân các dự án đã được bố trí vốn. Nâng cao chất lượng việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Qua đó ngày càng nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng và tiến độ xây dựng các công trình giao thông cơ bản được đảm bảo. Công tác GPMB tại nhiều dự án giao thông đường bộ thực hiện theo cơ chế xây dựng NTM đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm chi phí thực hiện dự án. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện cơ chế sử dụng vốn đầu tư từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đô thị thị trấn trung tâm và khu dân cư tập trung trên địa bàn các xã đã tạo điều kiện tăng quyền tự chủ cho các huyện trong lựa chọn công trình đầu tư, đặc biệt là các công trình giao thông trên địa bàn để ngày càng đồng bộ hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục thi công Tỉnh lộ 487, Tỉnh lộ 488 đoạn từ Quốc lộ 21 đến Quốc lộ 37B, Tỉnh lộ 489C, Tỉnh lộ 490B (đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), cầu Thịnh Long trên tuyến đường bộ ven biển. Việc các tuyến đường bộ huyết mạch được đầu tư xây dựng và nhiều tuyến tỉnh lộ được nâng cấp thành quốc lộ đã giúp hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản được hoàn thiện, tăng tính kết nối trung tâm các huyện, các KCN, du lịch của tỉnh với các tỉnh bạn; tạo tiền đề nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư, góp phần tạo thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều dự án giao thông đường bộ chưa xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công; một số dự án trong quá trình triển khai còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Công tác thẩm định, quyết toán một số dự án giao thông đường bộ còn chậm so với quy định. Cụ thể như dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 488C tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an ninh quốc phòng tỉnh và cải tạo nâng cấp đường Vàng (Nam Trực) chậm phê duyệt quyết toán trên 36 tháng. Số vốn còn thiếu chưa bố trí cho các dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ là tương đối lớn. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết tháng 5/2018, tổng số vốn còn thiếu so với giá trị quyết toán và khối lượng đã thực hiện là 773 tỷ 870 triệu đồng, trong đó riêng ngân sách cấp tỉnh là 553 tỷ 93 triệu đồng. Vốn từ ngân sách cấp huyện đầu tư cho các tuyến đường huyện và liên xã còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ngân sách cấp trên. Theo báo cáo của UBND các huyện, trong giai đoạn 2011-2016, một số huyện như Hải Hậu, Ý Yên, Giao Thủy không bố trí nguồn vốn ngân sách huyện cho các công trình giao thông đường bộ do UBND huyện làm chủ đầu tư; các huyện khác có bố trí nhưng còn hạn chế như: Mỹ Lộc 2,3 tỷ đồng, Trực Ninh 2,54 tỷ đồng, Xuân Trường 4,9 tỷ đồng, Nam Trực 5,5 tỷ đồng, Vụ Bản 5,64 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ do UBND huyện làm chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu quyết toán công trình nhưng chưa hoàn thành đồng bộ như dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường PCLB, cứu nạn, cứu hộ Bình - Lạc (Giao Thủy) đã hoàn thành nhưng không thực hiện hạng mục làm rãnh dọc thoát nước đoạn qua khu dân cư. Đặc biệt, theo Sở KH và ĐT: ngoài khó khăn do ngân sách của tỉnh eo hẹp thì số vốn đầu tư các chương trình mục tiêu từ ngân sách Trung ương đã giao cho tỉnh giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án chuyển tiếp và khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông là 171 tỷ 460 triệu đồng, chỉ đạt khoảng 20% phần ngân sách Trung ương (phần vốn ngân sách Trung ương đã được chấp thuận của các dự án chuyển tiếp và khởi công mới giai đoạn 2016-2020 đã có văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính là 781 tỷ 845 triệu đồng). Vì vậy, trước mắt không thể có khả năng cân đối vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo bố trí đủ vốn theo tiến độ hoặc hoàn thành các dự án như kế hoạch đề ra.
Để giải quyết các bất cập trong điều kiện Chính phủ ngày càng thắt chặt chi tiêu công, ngân sách tỉnh còn gặp khó khăn, không đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đường bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành nghiên cứu, tham mưu thực hiện đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng có tác động quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đến nay, tỉnh đang tích cực thực hiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức PPP. Hiện đã có thông báo dự kiến bố trí vốn ngân sách Trung ương cho dự án là 1.000 tỷ đồng. Các huyện cần tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB và tổ chức đấu giá đất của các khu đô thị thị trấn trung tâm, khu dân cư tập trung, thực hiện hiệu quả việc cân đối bố trí nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho việc đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi, tranh thủ huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông./.