Cao Bằng: Phát triển hạ tầng giao thông - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 17/09/2018 10:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển KT - XH, thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng với thị trường liên vùng, giữa thị trường vùng và liên vùng với cả nước và kết nối với các nước trong khu vực và quốc tế; khai thác cũng như hiện thực hóa các tiềm năng, thế mạnh của một địa phương, khu vực và quốc gia, góp phần cải thiện hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh... Vì thế phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng trong phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 208,
đoạn qua thị trấn Đông Khê (Thạch An) hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Tỉnh Cao Bằng xác định mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông là hết sức quan trọng trong phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương và ban hành Chương trình số 09-CTr/TU về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện, trong đó xác định xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, phù hợp, chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu vận tải của tỉnh cũng như nhu cầu vận tải quốc tế thông qua tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất, lưu thông hàng hóa của nhân dân; phục vụ giao thương trong nước và quốc tế. 

Chương trình số 09 đã tập trung đề ra các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ; đầu tư nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố; nâng cấp một số tuyến đường tuần tra biên giới; nâng cấp và mở rộng một số tuyến đường tỉnh trọng yếu, các tuyến đường ra cửa khẩu, các tuyến đường gắn với phát triển du lịch; nâng cấp một số tuyến đường đến trung tâm xã thành đường huyện nhằm kết nối giao thông với các tỉnh lân cận; cứng hóa bằng bê tông hoặc nhựa đối với 100% đường huyện và tối thiểu 80% đường xã; xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông tĩnh, phát triển hệ thống kho, bãi, cảng cạn phục vụ giao thương hàng hóa.

Một trong những điểm nhấn của Chương trình 09, đó là phấn đấu thực hiện được những bước đi đầu tiên trong việc đầu tư, xây dựng tuyến đường cao tốc nối Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) với Đồng Đăng (Lạng Sơn) và tích cực đề xuất bổ sung vào Quy hoạch đường bộ cao tốc đoạn từ Chợ Mới (Bắc Kạn) đến Tà Lùng (Cao Bằng). 

Nếu thành công sẽ sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam. Xa hơn, là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và Châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương, hợp tác quốc tế để hiện thực hóa bằng được khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình 09 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Chưa thực hiện được việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 4A (47 km) đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi và Quốc lộ 34 (45 km) đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi do không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do ngân sách tỉnh hạn chế và ngân sách Trung ương chưa đáp ứng nhu cầu nên việc cứng hóa đường huyện chỉ đạt trên 60% và đường xã chỉ đạt gần 30%; đường tuần tra biên giới cũng triển khai chậm. Những dự án mang tầm chiến lược, đột phá điểm nghẽn kinh tế cho Cao Bằng: đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tiến độ chưa như mong đợi vì vướng cơ chế và huy động nguồn lực thực hiện, cơ bản việc thực hiện một số chỉ tiêu chỉ ở mức độ gần đạt hoặc đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Những khó khăn, tồn tại nêu trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân cơ bản sau: Chương trình số 09 được xây dựng tại thời điểm đang tổng hợp Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, do vậy một số mục tiêu Chương trình chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Một số dự án chưa triển khai hoặc triển khai chậm do nguồn đầu tư hạn chế. Việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để triển khai chương trình khó khăn. Việc huy động sự đóng góp của nhân dân còn hạn chế; công tác quản lý hành lang đường bộ -  bảo trì đường bộ còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí. Về chủ quan ở một số ít mục tiêu còn có biểu hiện chủ quan nóng vội; chưa tính hết khả năng huy động nguồn lực, thẩm quyền, sự phù hợp thực tế và thay đổi chính sách trong việc thực hiện.

Để thực hiện thắng lợi Chương trình số 09, trong giai đoạn 2018 - 2020, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục quán triệt tính đúng đắn và kiên trì thực hiện các mục tiêu do Chương trình 09 đề ra; kiên quyết khắc phục sự nóng vội nhưng cũng không phó mặc, buông xuôi, trông chờ, ỷ lại. Các cấp, các ngành phải phát huy sự chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện. 

Việc thực hiện các mục tiêu cần có lộ trình, bước đi cụ thể, rõ ràng và khả thi, đặc biệt là huy động nguồn lực. Phải coi phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân - chứ không chỉ riêng của cấp ủy, chính quyền. Việc thực hiện là nhiệm vụ có tính kế thừa, phát triển qua nhiều giai đoạn - vừa có nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, vừa có những nhiệm vụ trong ngắn hạn phải giải quyết ngay. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản thực hiện được các nhiệm vụ đề ra hoặc tạo tiền đề tích cực, mang tính nền tảng cho sự đột phá ở những giai đoạn kế tiếp. Trong đó tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp cụ thể:

Một là, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương; tăng cường vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến mới về công tác quản lý đầu tư và quản lý, bảo trì đường bộ; tập trung chỉ đạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như từ ngoài xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở từng dự án, công trình cụ thể, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu phát triển; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để hiểu rõ và thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình và Kế hoạch của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình.

Hai là, xây dựng hệ thống đường địa phương thực hiện theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn khác, như: vay ODA, vay tín dụng ưu đãi và các hình thức thu hút nguồn vốn khác phù hợp với các quy định pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia làm đường nông thôn, kêu gọi đóng góp các nguồn lực để bê tông hóa các đường liên xã, liên thôn, tiếp tục thực hiện phát triển giao thông nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; lồng ghép nguồn vốn của Bộ Quốc phòng để đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới…

Cuối cùng là khuyến khích áp dụng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức hợp tác công tư theo quy định hiện hành, kinh doanh các dự án khác kết hợp phát triển kinh tế địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những dự án đặc biệt quan trọng, dự án vùng đặc thù, kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng cơ chế chính sách để phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn, thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo giao mặt bằng sạch cho các dự án thực hiện theo đúng tiến độ đã đề ra; huy động nguồn nhân lực, vật lực tham gia xây dựng giao thông nông thôn.

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)