Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư hạn chế nên một số mục tiêu của Chương trình chưa đạt được như kỳ vọng. Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh cần huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thành 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Thi công đường phía Nam Khu đô thị mới Đề Thám (Thành phố Cao Bằng)
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 09, một số mục tiêu của Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Việc quy hoạch các tuyến đường bộ hướng tới kết nối vận tải quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Quy hoạch các tuyến quốc lộ (QL) cũng đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp để báo cáo Bộ GTVT, trình Chính phủ xem xét quyết định, trong đó có các tuyến QL mới nâng từ các tuyến đường tỉnh. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên các dự án do Bộ GTVT đầu tư đang thực hiện đến nay vẫn chưa tiếp tục triển khai. Đồng thời các dự án đường địa phương phần lớn được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc triển khai thi công phụ thuộc vào tiến độ cấp vốn nên hầu hết các công trình đều thi công dở dang, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.
Để việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giao thương của nhân dân được dễ dàng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh cần tập trung nguồn lực để đầu tư dứt điểm các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm trong Chương trình 09 là: Đường nối QL4A - QL3 (tránh Thành phố), dự án đường phía Nam Khu đô thị mới Thành phố, Đường tỉnh 207 và Đường tỉnh 216.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường nối QL4A với QL3 (tránh Thành phố Cao Bằng) được Bộ GTVT phê duyệt tháng 11/2006 với tổng chiều dài tuyến 7,5 km và 2 cầu cứng. Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu là 177,4 tỷ đồng, sau điều chỉnh (tháng 3/2016) là 381,5 tỷ đồng. Năm 2008, triển khai thi công gói thầu 2 cầu trên tuyến, năm 2010 triển khai thi công các gói thầu phần đường.
Cuối năm 2014 dự án dừng thi công do giá trị khối lượng hoàn thành đã vượt kinh phí được giao và giải ngân hết 177,4 tỷ đồng, tuy nhiên khối lượng công trình mới được thực hiện khoảng 60% (gói thầu 2 cầu trên tuyến đã thi công hoàn thành, các gói thầu khác đều thi công dở dang phần nền đường và cống thoát nước). Sở GTVT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí vốn để tiếp tục thi công công trình. Bộ GTVT đã tổng hợp, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư phương án điều hòa, điều chuyển kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có dự án này. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết.
Đường phía Nam Khu đô thị mới (Km0+ 00 - Km5+896,52) được UBND tỉnh phê duyệt dự án vào tháng 8/2011, điều chỉnh tháng 8/2016 (cắt giảm khối lượng mặt đường (Km0 - Km3) và chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã được phê duyệt thành các dự án khác), với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 718,75 tỷ đồng, thời điểm kết thúc dự án là ngày 31/12/2018.
Hết tháng 8/2018, khối lượng xây lắp hoàn thành đạt khoảng 80%. Đã giải ngân được 424,4 tỷ đồng. Năm 2018, dự án không được bố trí vốn, tuy nhiên, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn thì giai đoạn 2019 - 2020 dự án sẽ được bố trí 150 tỷ đồng. Theo tiến độ nêu trên, dự kiến công trình bàn giao đưa vào sử dụng năm 2020.
Đoạn Km0-Km3 đường phía Nam Khu đô thị mới được UBND tỉnh phê duyệt dự án tháng 10/2015 với tổng mức đầu tư 409,6 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay khối lượng xây lắp hoàn thành mới đạt khoảng 40% do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án đã giải ngân được 64 tỷ đồng, năm 2018 đã được bố trí 30 tỷ đồng. Kế hoạch vốn giai đoạn 2019 - 2020 của dự án là 216 tỷ đồng. Nếu được bố trí vốn theo kế hoạch, công trình có thể bàn giao đưa vào sử dụng đúng tiến độ vào năm 2020.
Dự án đường tỉnh 216 (hạng mục nền, mặt đường và hệ thống thoát nước Km0+400 - Km4+307,30) được UBND tỉnh phê duyệt tháng 9/2014 với tổng mức đầu tư 106,4 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự án năm 2018. Hết năm 2015, dự án được giao 38 tỷ đồng. Số vốn được giao theo kế hoạch đầu tư công là 50 tỷ đồng, đã bố trí vốn từ năm 2016 - 2018 là 22,3 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đạt 99,6%. Khối lượng xây lắp hoàn thành của dự án đạt khoảng 73%.
Dự án đường tỉnh 216 (2 cầu Bình Long, Đồng Mây và đường 2 đầu cầu) được phê duyệt dự án tại Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 với tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020, thời gian thực hiện dự án đến năm 2020. Số vốn được giao theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 5,5 tỷ đồng, đến năm 2018 đã bố trí đủ vốn theo kế hoạch nêu trên. Hiện nay chủ đầu tư đang tổ chức thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công và giải phóng mặt bằng.
Đường tỉnh 207 từ Km0 - Km31 (đoạn Quảng Uyên - Hạ Lang) được UBND tỉnh phê duyệt tháng 7/2010 với tổng mức đầu tư 485,89 tỷ đồng. Do khó khăn về nguồn vốn nên đến năm 2016 mới thi công đoạn Km 0 - Km 15 + 120. UBND tỉnh đã cắt từ Km 22 + 500 - Km 31 để tách thành dự án đường tỉnh 207 (từ cầu Khuổi Mịt đến thị trấn Thanh Nhật) với tổng mức đầu tư 188,2 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020. Hiện đoạn Km0 - Km22+500, số vốn được giao theo kế hoạch đầu tư công là 322,9 tỷ đồng, đã bố trí và giải ngân 251,2 tỷ đồng, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng Km0 - Km 15+120. Đoạn từ Km15+120 - Km22+500 chưa triển khai thi công do không được bố trí vốn. Đoạn từ Km22+500 - Km31 từ cầu Khuổi Mịt đến thị trấn Thanh Nhật đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 của dự án này là 154,4 tỷ đồng, đã giao đến hết năm 2018 là 39,4 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, ngoài khó khăn trong công tác đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng (dự án đường phía Nam và đường tránh QL 4A - QL 3), ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án trọng điểm này chủ yếu là do khó khăn về bố trí nguồn vốn, làm thời gian thực hiện dự án kéo dài, tăng tổng mức đầu tư và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án.
Với mục tiêu hoàn thành các dự án đường tỉnh nêu trên vào năm 2020 thì cần thêm số kinh phí là 1.127 tỷ đồng (so với tổng mức đầu tư). Trong đó, đường phía Nam Khu đô thị mới là 612 tỷ đồng, đường tỉnh 207 là 383 tỷ đồng, đường tỉnh 216 là 132 tỷ đồng. Đến năm 2020, UBND tỉnh đã bố trí kế hoạch vốn là 893,3 tỷ đồng. Như vậy cần phải bổ sung thêm 233,7 tỷ đồng sau năm 2020 để thanh toán khối lượng hoàn thành của 3 công trình nêu trên. Đối với đường nối QL 4A - QL 3, phần vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 204 tỷ đồng đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Để đảm bảo các dự án hoàn thành đúng thời gian quy định, các chủ đầu tư cần tích cực đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh cần chủ động cân đối, điều hòa, điều chỉnh số vốn cho các dự án theo nguồn vốn được giao, hằng năm bổ sung thêm nguồn tăng thu của tỉnh cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2020 để có thể sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, hoàn thành các mục tiêu cơ bản mà Chương trình số 09 đã đề ra.