Nhờ thực hiện nghiêm ngặt quy định về quản lý chất lượng trong quá trình triển khai các dự án giao thông, hầu hết các công trình giao thông trên địa bàn được Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc triển khai thời gian qua đều đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ. Khi đưa vào sử dụng, các công trình giao thông đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Thi công Dự án Nút giao lập thể giữa Tỉnh lộ 305 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
khu vực xã Văn Quán, huyện Lập Thạch
Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, thời gian quan, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đầu tư, nâng cấp nhiều công trình giao thông với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Để các công trình mang lại hiệu quả cao, bền vững, công tác quản lý, thẩm định chất lượng các công trình được cơ quan chuyên môn và đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định.
Từ năm 2017 đến nay, Sở GTVT đã tổ chức bàn giao và đưa vào sử dụng 7 dự án lớn, với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng gồm: Tuyến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; cải tạo, nâng cấp ĐT301 đoạn từ nút giao đường Nguyễn Tất Thành đến ngã ba khu du lịch Đại Lải và tuyến nhánh từ ngã ba khu du lịch Đại Lải đến đập tràn Thanh Cao; nâng cấp ĐT302B đoạn Hương Canh - Trung Mỹ (Bình Xuyên); xử lý nền, mặt đường ĐT303 đoạn từ Km7+476 đến Km8+150; cải tạo, nâng cấp ĐT309 từ Km13+128 - Km20+267; cải tạo, nâng cấp ĐT310 đoạn Đại Lải - Đạo Tú; cải tạo, nâng cấp tuyến QL2C đoạn QL2C – Trung Nguyên.
Các công trình sau khi bàn giao, đưa vào khai thác, sử dụng bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương; tạo kết nối giao thông với các tuyến đường QL2, QL2C, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai... giúp tỉnh thu hút đầu tư.
Hiện nay, Sở GTVT Vĩnh Phúc đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông triển khai thực hiện 8 dự án công trình giao thông trọng điểm. Xác định đây là những dự án quan trọng, nằm trong quy hoạch phát triển GTVT của tỉnh, do đó, việc đảm bảo chất lượng các công trình được ưu tiên hàng đầu. Sở chỉ đạo các đơn vị quản lý, thi công công trình thực hiện nghiêm quy định trong quản lý chất lượng công trình từ khâu khảo sát, thiết kế, thẩm định, triển khai thi công đến khi nghiệm thu.
Để các công trình giao thông bàn giao đúng tiến độ, công tác giải ngân nguồn vốn được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công công trình, hạn chế tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc thực hiện tinh giản đầu mối theo Đề án 01 của Tỉnh ủy giúp sở tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Dự án đường Hợp Thịnh - Đạo Tú là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh.Trong quá trình triển khai dự án giai đoạn I từ năm 2014 – 2015, sau khi hoàn thành xong các hạng mục qua thẩm định đạt tiêu chuẩn chất lượng sớm hơn 3 năm so với kế hoạch, Sở GTVT còn tiết kiệm được hơn 70 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng, kết dư được 30 tỷ đồng tiền đền bù GPMB nhờ làm tốt công tác quản lý, giám sát. Số tiền này, sau đó, được UBND tỉnh giao cho sở tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn II với nhiều hạng mục nâng cấp cho tuyến đường.
Đến nay, sau khi đi vào sử dụng, đường Hợp Thịnh - Đạo Tú đã giảm tải rất nhiều cho QL2C đoạn qua thành phố Vĩnh Yên; kết nối ĐT310 và QL2C, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương giữa tỉnh Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội và tỉnh Tuyên Quang; tạo điều kiện khai thác quỹ đất dọc hai bên đường…
Tuy nhiên, việc đảm bảo tiến độ một số công trình giao thông trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn trong công tác GPMB. Một số địa phương quy hoạch và quản lý đất đai chưa tốt, dẫn đến tình trạng các hộ dân tự ý đổi ruộng để chuyển đổi mục đích canh tác, làm kéo dài thời gian đền bù GPMB cho các dự án.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục tận dụng mọi nguồn lực trong việc huy động vốn, tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác quản lý chất lượng công trình. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB nhằm kịp thời bàn giao cho nhà thầu theo đúng kế hoạch. Thực hiện lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch, “đúng người đúng việc” để các công trình giao thông mang lại hiệu quả cao, bền vững.