Xe ô tô đưa đón học sinh hầu hết từ 16 - 30 chỗ ngồi, chủ yếu tự phát của tư nhân. Trong quá trình lưu thông, một số chủ xe chưa thực hiện nghiêm túc các quy định, sử dụng xe đã quá niên hạn, không đăng ký, đăng kiểm đúng hạn, hoán cải công năng để tăng ghế ngồi. Điều này, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Nắm bắt được tâm lý của nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con đến trường, những năm gần đây dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh phát triển không chỉ ở thành phố mà mở rộng ở các vùng nông thôn. Xe ô tô đưa đón học sinh hầu hết từ 16 - 30 chỗ ngồi, chủ yếu tự phát của tư nhân. Trong quá trình lưu thông, một số chủ xe chưa thực hiện nghiêm túc các quy định, sử dụng xe đã quá niên hạn, không đăng ký, đăng kiểm đúng hạn, hoán cải công năng để tăng ghế ngồi. Điều này, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Dịch vụ ô tô đưa đón học sinh tự phát ở xã Thanh Hà (Thanh Liêm).
Thiếu dịch vụ ô tô đưa đón học sinh chuyên nghiệp
Hiện nay, ở Hà Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục là Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (thành phố Phủ Lý) và Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa (Lý Nhân) được nhà trường nhận hợp đồng với phụ huynh đưa đón học sinh tại nhà hoặc điểm tập trung.
Ông Trần Doãn Hinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa cho biết: Từ năm học 2017 - 2018, sau khi chính thức đi vào hoạt động, nhà trường đã đầu tư mua mới 8 ô tô các loại (từ 16 -24 chỗ ngồi), đăng ký với cơ quan chức năng, ký cam kết với đại diện Hội phụ huynh nhà trường đảm nhiệm việc đưa, đón học sinh tại nhà.
Mức thu dịch vụ phù hợp với thu nhập của người dân, vì vậy hầu hết các gia đình đều đăng ký tham gia. Việc đưa đón học sinh bằng ô tô được các bậc phụ huynh ghi nhận và đánh giá cao bởi sự an toàn và sự thuận lợi cho cả đôi bên.
Theo ý kiến của các gia đình, dù giá dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô chuyên nghiệp cao hơn so với các loại dịch vụ tự phát từ 200 nghìn - 300 nghìn đồng/tháng nhưng người dân vẫn chấp thuận bởi sự an toàn và tính chuyên nghiệp cao.
Nói về hoạt động của dịch vụ ô tô đưa đón học sinh của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, chị Đỗ Thị Huệ, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý cho biết: Tôi làm việc cho một công ty nước ngoài, buổi sáng hơn 6 giờ đã phải đi làm, đến 18h30 mới về. Sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô của nhà trường gia đình tôi rất yên tâm. Xe đưa đón tận nhà, trước khi về nhân viên nhà xe điện thoại trước để gia đình chủ động nhận con.
Không được hưởng dịch vụ ô tô chuyên nghiệp đưa, đón con tại trường, anh Trần Đình Đức, phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý cho biết: Do bận công việc, mỗi tháng vợ chồng tôi bỏ ra 500 nghìn đồng tiền xe đưa, đón con đến trường. May mắn chủ xe ô tô làm nghề tự do, lại ở gần nhà, có con học cùng lớp với cháu, nếu không một ngày đưa đón 4 lần thì gia đình khó bố trí được thời gian.
Chị Trần Thu Hạnh, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý tâm sự: Bậc tiểu học nhà trường không nuôi bán trú do đó tôi phải đăng ký với một cơ sở gần trường nuôi ăn, mỗi buổi thêm 10 nghìn đồng để thuê người đưa đón con về nhà trọ. Chúng tôi rất mong có dịch vụ xe ô tô chuyên nghiệp đưa đón học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình không có thời gian đưa đón con đi học.
Dịch vụ ô tô đưa, đón học sinh chuyên nghiệp không chỉ thiếu ở vùng nông thôn mà ở cả thành phố Phủ Lý. Ở vùng nông thôn, mặc dù dịch vụ ô tô đưa đón học sinh tự phát hiện đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của một số gia đình song về chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Tăng cường các biện pháp quản lý dịch vụ ô tô tự phát
Hiện nay, tại các xã Thanh Hà, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm); An Lão (Bình Lục); Tiên Ngoại, Châu Giang, Yên Bắc, Bạch Thượng (Duy Tiên); Thanh Sơn, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) đang phát triển mạnh dịch vụ tự phát đưa đón học sinh bằng ô tô. Dịch vụ này đều do chủ phương tiện tự thỏa thuận với các gia đình hoặc đại diện Hội phụ huynh nhà trường về giá dịch vụ, thu tiền theo tháng.
Xe ô tô đưa đón học sinh ở các nhà trường đều đảm nhiệm chở từ 25 - 30% tổng số cháu của trường về các điểm tập trung ở thôn, xóm. Tuy nhiên, thời gian qua, một số chủ xe trên địa bàn chưa nghiêm túc thực hiện các quy định, vẫn còn tình trạng sử dụng xe quá hạn; xe không đăng ký, đăng kiểm; lắp đặt thêm ghế ngồi để tăng số học sinh.
Cho dù các xe ô tô đưa đón học sinh tự phát trên địa bàn chưa gây ra các vụ tai nạn giao thông nhưng thực tế đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và người tham gia giao thông.
Bác Cao Thanh Tuấn, xã Thanh Hà (Thanh Liêm) cho biết: Trên địa bàn xã có 9 xe ô tô các loại nhưng hầu hết các xe đều bổ sung ghế để tăng chỗ ngồi khiến các cháu phải ngồi chen chúc, không bảo đảm an toàn mỗi khi xe dừng, đỗ. Trong khi đó, mỗi xe chỉ có một tài xế là chủ phương tiện, không có lái phụ vì vậy việc lên, xuống của con trẻ rất nguy hiểm.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao ý thức của chủ phương tiện đưa đón học sinh bằng ô tô. Trung tá Nguyễn Văn Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Duy Tiên cho biết: Mới đây, lực lượng Công an huyện đã tổ chức rà soát toàn bộ các loại hình dịch vụ đưa đón học sinh trên địa bàn. Toàn huyện có 16 xe ô tô (từ 16 - 30 chỗ ngồi), tập trung ở các xã Tiên Nội, Tiên Ngoại, Bạch Thượng, Yên Bắc, Châu Giang.
Công an huyện đã yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết, nghiêm túc thực hiện quy định Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, ký kết với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh; yêu cầu các nhà trường trực tiếp hợp đồng với chủ xe bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo đúng quy định.
Xung quanh việc xe ô tô đưa đón học sinh tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ông Dương Văn Hội, Chánh Thanh tra, Sở Giao thông vận tải cho biết: Năm học 2017 - 2018, Thanh tra giao thông đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thực hiện chuyên đề về kiểm tra các loại xe đưa đón học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, yêu cầu một số chủ xe dừng lưu hành phương tiện để bảo đảm an toàn giao thông.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp thực hiện chuyên đề trên để chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành quy định của các chủ phương tiện; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên các tuyến đường. Đồng thời, đề nghị các nhà trường, đại diện hội phụ huynh khi ký kết hợp đồng phải yêu cầu các chủ xe có đầy đủ đăng ký đăng kiểm, dán tem phù hiệu hợp đồng theo quy định... Có như vậy mới bảo đảm sự an toàn cho các em khi sử dụng dịch vụ này.