Xây dựng hạ tầng giao thông kết nối Hà Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Thứ hai, 03/12/2018 14:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Hà Nam được củng cố, xây dựng mới, tạo sự liên hoàn, kết nối đồng bộ từ đường thôn xóm, xã đến huyện, tỉnh với quốc lộ. Mạng lưới giao thông đồng bộ kết nối Hà Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng phát huy được vai trò là đầu mối giao thông cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội.

Đánh giá về hệ thống giao thông của tỉnh, nhiều doanh nghiệp khẳng định, giao thông của Hà Nam có sự liên kết với các tỉnh trong khu vực, nhất là ra cảng Hải Phòng rất thuận tiện, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hoá. Trước đây đường vào tỉnh gần như chỉ độc đạo phải đi qua quốc lộ 1A, nếu xảy ra tai nạn tắc đường hoặc những dịp lễ, Tết di chuyển rất mất thời gian. Hiện nay, có nhiều tuyến đường mới được xây dựng như: Tuyến tránh quốc lộ 1A, tuyến tránh  quốc lộ 38, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình... nên việc đi lại không còn phải lo lắng như trước. 

Ông Ngô Quang Long, Giám đốc Công ty TNHH Quang Long HN cho biết: Tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi chở hàng ra cảng Hải Phòng. So với trước đây doanh nghiệp giảm được 1/5 chi phí vận chuyển. Có đường, cầu thông thương, dự kiến tới đây công ty sẽ sang các tỉnh bạn liên kết xây dựng vùng trồng dưa xuất khẩu.


Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Tiên Hiệp (TP. Phủ Lý)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển giao thông theo hướng liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã xác định cơ cấu đầu tư hợp lý giữa đường bộ, đường thuỷ và kết nối với đường sắt quốc gia; đồng thời quản lý chặt chẽ quy hoạch đã được phê duyệt để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo thành mạng lưới GTVT hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết được các phương thức vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, nhanh chóng, an toàn và thuận tiện. 

Ông Đặng Trọng Thắng, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Năm 2017, Sở GTVT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1843/QĐ-UBND phê duyệt Đề án củng cố phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng, liên kết các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy (giai đoạn 2016-2020), kết nối Hà Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, góp phần tạo ra môi trường thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - dịch vụ, đô thị. Quá trình triển khai xây dựng các dự án, Sở đã tăng cường công tác quản lý về chất lượng công trình; làm tốt việc kiểm tra chất lượng các công trình do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư trên địa bàn và các tuyến đường do huyện, xã làm chủ đầu tư.

Trong hai năm 2016-2017, tổng nguồn vốn huy động dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, bảo trì là hơn 400,8 tỷ đồng (vốn trung ương 279,069 tỷ đồng; vốn địa phương 121,742 tỷ đồng). Nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án, Sở GTVT đã tham mưu với tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công gắn với siết chặt quản lý chất lượng, chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. 

Đối với quốc lộ, đã tham mưu với tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến liên kết vùng: Dự án nâng cấp, cải tạo QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa; đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình; nút giao QL38 với QL21B thuộc Dự án nâng cấp, cải tạo nút giao thông giữa QL38 với QL1A và đường sắt Bắc-Nam, đồng thời tập trung sửa chữa bảo trì các tuyến đường hiện có bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Đường tỉnh tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có để đảm bảo năng lực khai thác phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và ATGT, vệ sinh môi trường, tạo sự liên kết với các tuyến quốc lộ và đường thủy, đường sắt. 

Đối với đường thủy từng bước cải tạo, nâng cấp chỉnh trị, nạo vét luồng lạch, tăng cường trang thiết bị ATGT để nâng cao năng lực khai thác các tuyến sông… Kết quả xây dựng, phát triển hệ thống giao thông nội bộ và các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã kết nối Hà Nam với các tỉnh trong khu vực, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư vào tỉnh. 

Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng KCN Đồng Văn III cho biết: KCN Đồng Văn 3 có vị trí hết sức thuận lợi do nằm cạnh các trục đường giao thông lớn của quốc gia và của tỉnh. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá đường giao thông của Hà Nam có sự kết nối, liên hoàn, nhất là di chuyển đến cảng hàng không quốc tế Nội Bài và ra cảng Hải Phòng khá thuận lợi. Đây chính là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Hà Nam.

Những ngày cuối tháng 11/2018, Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng để thông xe trước năm mới 2019. Đây là dự án có nhiều kỳ vọng tạo ra liên kết vùng thuận lợi về giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thắng (Quản lý công trường xây dựng Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) cho biết: Dự án đang tập trung hoàn thiện nút giao với QL21, hệ thống biển báo bảo đảm ATGT để kịp thông xe trước năm 2019.

Đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình chính là một trong những dự án hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng giao thông theo hướng liên kết vùng, kết nối Hà Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành GTVT đã và đang ưu tiên hoàn thiện hạ tầng khung, xây dựng một số tuyến đường, cầu mới gắn liền với bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng như quản lý, phát triển vận tải. Phát triển hạ tầng GTVT phải kết hợp chặt chẽ với phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực kinh tế khác như thủy lợi, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục…, giữa xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp tuyến cũ.

Hiện Sở GTVT đang phấn đấu hoàn thành những dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ được triển khai trên địa bàn; tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh; tham mưu đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường kết nối với các tuyến quốc lộ, các tuyến trục chính và một số cầu vượt để kết nối, phục vụ dân sinh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

kimcuc

Nguồn: Báo Hà Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)