Kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Do đó, vì mục tiêu này, trong những năm qua, các Trung tâm Đăng kiểm cơ giới trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, cải tiến thủ tục hành chính, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ… để công tác kiểm định luôn đạt chất lượng theo đúng quy trình kỹ thuật đề ra.
Thực hiện kiểm định xe tại Trung tâm Đăng kiểm 61.03S
Để quản lý tốt hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, việc siết chặt quản lý từ gốc là việc làm vô cùng cần thiết. Theo đánh giá, hiện nay tình trạng xe lưu thông nhưng không bảo đảm an toàn đang diễn ra khá phổ biến. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cứ 100 xe thì có đến 18 xe không đạt đăng kiểm lần đầu, những lỗi không đạt chủ yếu tập trung vào hệ thống phanh, hệ thống lái…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 đơn vị, 2 chi nhánh với 17 dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới. Đây là những địa điểm thường xuyên thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm cho các loại xe như: Xe tải, xe khách… qua đó giúp kiểm soát, phát hiện những trường hợp cơi nới, thay đổi hiện trạng xe không đúng quy định, góp phần bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật xe khi lưu thông trên đường.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, các Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn tỉnh đã kiểm định hơn 126.000 phương tiện, trong đó phát hiện gần 20.000 trường hợp phương tiện không đạt chuẩn kỹ thuật lưu thông. Trong đó, nhiều phương tiện không đạt thuộc về các xe tải, xe đầu kéo, thậm chí kể cả xe khách - những phương tiện chiếm số lượng lớn trong các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có gần 119.000 xe ô tô đăng ký, thuộc quyền quản lý của ngành chức năng tỉnh. Như vậy, bình quân cứ 20 người dân có 1 xe ô tô. Đó là chưa kể lượng xe quá cảnh qua địa bàn tỉnh ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đặt ra bài toán càng phải nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao ý thức của chủ xe, lái xe trong việc bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện của mình mà còn tăng cường bảo đảm an toàn kỹ thuật xe, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn.
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết hiện nay ngành giao thông - vận tải đã ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác đăng kiểm. Toàn bộ thiết bị đăng kiểm được kiểm định bởi Cục Đăng kiểm và các cơ quan chức năng, sau đó được niêm phong. Đăng kiểm viên không thể can thiệp vào kết quả đăng kiểm của hệ thống thiết bị. Do đó kết quả được cho ra một cách trung thực. Toàn bộ số liệu cũng như hình ảnh hoạt động của trạm đăng kiểm đều được truyền trực tiếp về Cục Đăng kiểm. Qua đó Cục Đăng kiểm có thể kiểm soát hoàn toàn các hành vi không đúng, nếu có. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng thường xuyên nhắc nhở các đăng kiểm viên cùng những cán bộ có liên quan trong lúc thực thi nhiệm vụ phải luôn có trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình tránh những việc làm sai trái…
Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phòng chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm xe”, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh đã tiến hành thẩm định thiết kế cải tạo 255 xe cơ giới; kiểm tra kỹ thuật 52 ô tô; giám định 104 phương tiện trong tố tụng hình sự; đăng ký 140 xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ; cấp phép hoạt động 24 bến thủy nội địa… Bên cạnh đó, các Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn tỉnh đã kiểm định 126.840 phương tiện (trong đó có 106.296 phương tiện đạt tiêu chuẩn), đồng thời tiến hành nghiệm thu 1.124 xe cơ giới và kiểm định 234 xe máy chuyên dùng…