Trong những ngày đầu năm mới 2019, tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhiều tàu trọng tải lớn đã tấp nập cập cảng làm hàng, báo hiệu một năm “ăn nên làm ra” của các doanh nghiệp (DN) cảng biển.
Xe container vận chuyển hàng hoá tấp nập tại cảng TCIT.
Chiều 2/1, tại cầu cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), tàu Maersk Elba của liên minh 2M (gồm 2 hãng tàu lớn nhất thế giới là Maersk Line và MSC), trọng tải 143.000 tấn, sức chở 13.600 TEUs đang làm hàng để xuất khẩu sang Mỹ. Cảng CMIT phải huy động tối đa nhân lực và phương tiện, thiết bị khẩn trương bốc xếp hàng hóa để tàu kịp rời cảng lúc 20 giờ 30 cùng ngày. Trước đó, ngày 31/12/2018, tàu CMA CGM Chennai, trọng tải 120.000 tấn, sức chở 10.000 TEUs cũng đã cập cảng làm hàng tại cảng CMIT.
Năm 2018, cảng CMIT đón hơn 200 chuyến tàu mẹ cập cảng với sản lượng tàu mẹ đạt 800.000 TEUs (nếu tính cả sản lượng sà lan, tổng sản lượng thông qua cảng đạt 1,4 triệu TEU), tăng khoảng 9% so với năm 2017. Từ 1/1/2019, cảng CMIT được Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tiếp nhận tàu trọng tải đến 194 ngàn DWT, sức chở tới 21.500 TEUs cập cảng hàng tuần. Cảng CMIT cũng trở thành một trong 20 cảng trên thế giới có năng lực đón thường xuyên tàu 18-20 ngàn container, gần 200 ngàn tấn trọng tải. Do đó, CMIT kỳ vọng sản lượng hàng hoá thông qua cảng trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng mạnh, khi các tàu kích cỡ siêu lớn sẽ được các hãng tàu đưa về khai thác tại CMIT.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT, bên cạnh năng lực đón nhận và làm hàng cho các tàu mẹ tuyến xa với trọng tải lên đến 194.000 DWT, CMIT sẽ duy trì chất lượng dịch vụ tốt, an toàn cao trong vận hành khai thác cảng, tăng năng suất xếp dỡ và ổn định; nâng cao chất lượng hệ thống giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa tại cảng; tiếp tục triển khai thành công hoá đơn điện tử 100% (e-invoice) nhằm tăng cường tính tự động hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đã đón thành công 3 chuyến tàu đầu tiên ngay từ những ngày đầu năm mới. Trong đó, có tàu Malik Al Ashtar - của hãng tàu Hapag - Lloyd có trọng tải lên đến 13.296 TEUs của tuyến dịch vụ EC4 kết nối trực tiếp đến bờ Đông nước Mỹ. Đây là một trong 4 tàu cùng trọng tải của hãng tàu Hapag - Lloyd đang khai thác tại TCIT. Ông Akira Kurita, Tổng Giám đốc Cảng TCIT cho biết, năm 2018, TCIT đã tiếp nhận 527 lượt tàu mẹ, trong đó có 30 lượt tàu sức chở lên đến 14.000 TEUs, tổng sản lượng ước đạt 1,62 triệu TEUs, chiếm hơn 55% thị phần khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, tăng hơn 5 lần so với năm đầu tiên đi vào hoạt động. Nếu tính thêm sản lượng xếp dỡ sà lan, con số này tăng gấp đôi với gần 3 triệu TEUs được xếp dỡ qua cảng. Bước sang năm 2019, TCIT hướng tới mục tiêu sẽ đạt mức sản lượng thông qua là 1,75 triệu TEUs, tăng 8% so với năm 2018.
Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng thành viên cảng TCIT cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, TCIT tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, từ việc nâng cao năng suất xếp dỡ, giải đáp các khó khăn thắc mắc của khách hàng 24/7, đơn giản hoá thủ tục thông quan, đẩy mạnh công tác vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy từ TCIT về TP.Hồ Chí Minh với chính sách hỗ trợ tối đa khách hàng về chi phí. Thời gian tới, TCIT sẽ triển khai chương trình E-port và EDO, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành thúc đẩy thông quan qua cơ chế một cửa Quốc gia; đồng thời nâng cấp thêm công suất bến bãi của TCIT.
Theo Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2018, tổng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trên địa bàn tỉnh đạt hơn 69,8 triệu tấn, tăng 13%, trong đó hàng trực tiếp qua cảng đạt 30,3 triệu tấn, tăng hơn 19%. Lượng hàng thông qua cảng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào 2 cảng Quốc tế Cái Mép và Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. Từ những kết quả đã đạt được, dự kiến khối lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2019 đạt khoảng 90 triệu tấn, tăng 28% so năm 2018. Trong đó, hàng container đạt gần 60 triệu tấn (tương đương 4 triệu TEUs), tăng 18%.
Để đạt mục tiêu trên, năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thành lập Ban Quản lý cảng trung chuyển quốc tế và Logistics Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện công tác quản lý cảng biển; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cảng như đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép, huy động các nguồn lực và kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư dự án cầu Phước An, đường Long Sơn - Cái Mép; phối hợp với Bộ GTVT họp định kỳ hàng năm nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải...