Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là mô hình giao thông mới, lần đầu có tại Quảng Ninh. Chính vì thế, việc quản lý vận hành khai thác, bảo dưỡng tuyến cao tốc hiệu quả là một trong những vấn đề mà ngành Giao thông của tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đơn vị quản lý thực hiện kiểm tra thiết bị ATGT trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Để có được cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Quảng Ninh đã thực hiện tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho dự án với tổng vốn gần 6.500 tỷ đồng. Dự án được đưa vào khai thác từ tháng 9/2018, trung bình mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, không chỉ mở thêm không gian phát triển mới tại những nơi tuyến đường đi qua mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế toàn khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, vấn đề sở hữu đường cao tốc, cũng như quản lý vận hành khai thác và nhất là công tác bảo dưỡng sau này của dự án tương đối khó khăn. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng chưa được quy hoạch nằm trong các tuyến cao tốc quốc gia, vì vậy hiện tại công tác quản lý, bảo dưỡng đều do Quảng Ninh thực hiện trên cơ sở sử dụng nguồn ngân sách tỉnh.
Theo đó, Sở GTVT đã tổ chức lựa chọn nhà thầu triển khai hoạt động quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Nhà thầu là Công ty CP Xây dựng và Thương mại 909 có trách nhiệm tuần tra giao thông, thu thập thông tin, phát hiện các vi phạm hành lang an toàn giao thông, loại bỏ các chướng ngại vật trên đường, bảo vệ tài sản, kết cấu hạ tầng... để đảm bảo an toàn và thông suốt trên tuyến cao tốc.
Triển khai nhiệm vụ cụ thể, đơn vị đã phân công thành 4 tổ công tác, trang bị 10 phương tiện chuyên dụng, gồm xe tuần tra, xe tưới nước, quét đường cùng hơn 50 cán bộ, nhân viên, tổ chức tuần đường mỗi ngày. Khi phát hiện vấn đề như tai nạn giao thông, hỏng xe, chướng ngại vật, sự cố cháy... các tổ công tác có trách nhiệm báo cáo trung tâm chỉ huy, trực tiếp tham gia điều hành, thông báo, phối hợp cùng lực lượng chức năng đảm bảo giao thông trên tuyến, giải cứu, hướng dẫn người bị nạn tới vị trí an toàn.
Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Ban điều hành cao tốc Hạ Long - Hải Phòng cho biết: Trên đường cao tốc, các phương tiện giao thông phải vận hành trong điều kiện khác với đường thông thường. Xe chạy tốc độ cao và liên tục, vì thế các sự cố kỹ thuật rất dễ xảy ra. Xe gặp sự cố trên đường, nếu không được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển phía sau, có thể gây ùn tắc cục bộ và tai nạn liên hoàn. Chưa kể, trên tuyến có khá nhiều xe chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, nhiều trường hợp bị rơi vãi xuống đường tạo thành những vật cản, gây nguy hiểm cho các xe khác khi lưu thông ở tốc độ cao. Từ khi đưa cao tốc vào khai thác, trên tuyến đã có hàng chục sự cố như vậy, tuy nhiên đều được đơn vị quản lý phát hiện và xử lý kịp thời.
Cũng theo ông Nam, khó khăn nhất hiện nay là công tác phát hiện, nhiều trường hợp trực tiếp lái xe gọi điện theo đường dây nóng để thông báo sự cố, vật cản, song cũng có khá nhiều trường hợp phát hiện chậm do tổ công tác tuần tra vừa di chuyển qua đoạn tuyến thì xảy ra sự cố. Chưa kể, tình trạng vi phạm ATGT trên cao tốc vẫn còn khá nhiều. Đó là việc xe khách dừng đỗ đón khách ở các nút giao, xe máy đi vào đường cao tốc... Để nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tình huống trên cao tốc, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt, rất cần có hệ thống camera giám sát như mọi tuyến cao tốc trên toàn quốc hiện nay.
Thực tế cho thấy, thời gian qua tại các tuyến cao tốc trên toàn quốc, tình trạng vi phạm trật tự ATGT diễn biến rất phức tạp, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân chính là do ý thức không chấp hành và sự thiếu hiểu biết của người tham gia giao thông. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là mô hình giao thông hoàn toàn mới tại Quảng Ninh, sau khi va chạm, vấn đề ứng phó của các cơ quan chức năng, người tham gia giao thông đang còn khá lúng túng.
Việc Quảng Ninh chủ động, thí điểm quản lý và bảo dưỡng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng trong thời gian chờ được quy hoạch nằm trong các tuyến cao tốc quốc gia là nhiệm vụ cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai đồng bộ, trang bị các giải pháp quản lý, tăng cường xử lý vi phạm để tuyến đường thật sự an toàn, hiệu quả.