Ngày 30/1, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng vốn đầu tư 11.119,625 tỷ đồng; do liên danh 3 đơn vị là: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân, Công ty CP Mặt trời Vân Đồn, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn; thực hiện theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT.
Dự án được triển khai trên diện tích 456,2ha thuộc địa bàn các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái, điểm đầu tại Km70+108 (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn), điểm cuối tại Km150+339 (giao với tỉnh lộ 335, trùng với điểm cuối Dự án cầu Bắc Luân II, TP Móng Cái). Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h theo TCVN 5729-2012.
Để đảm bảo tiến độ GPMB, tháng 7/2017, UBND tỉnh đã tách công tác GPMB thành dự án độc lập, giao UBND các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái làm chủ đầu tư theo phạm vi sử dụng của dự án trên địa bàn. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay tổng khối lượng mặt bằng sạch có thể bàn giao cho chủ đầu tư đạt gần 77,69km, bằng gần 97%.
Diện tích mặt bằng còn lại thuộc địa bàn TP Móng Cái và Hải Hà do gặp khó khăn trong xác định nguồn gốc đất, một số hộ dân chưa đồng thuận cao, dẫn đến công tác GPMB chậm theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, hoàn thành trước 31/12/2018. Các vị trí mặt đã giải phóng được bàn giao cho doanh nghiệp dự án, tuy nhiên đơn vị chưa thực hiện phá dỡ công trình kiến trúc, xử lý thực bì, bóc đất hữu cơ, do chưa bố trí đủ nhân sự và thiết bị máy móc.
Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp dự án báo cáo khai quát công tác thực hiện nghĩa vụ nhà nước như: Huy động vốn, lựa chọn nhà thầu, xác định địa điểm lập quy hoạch mỏ đất và bãi đổ thải... Các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cũng đề xuất một số điều chỉnh để phù hợp điều kiện phát triển của địa phương, đẩy nhanh tiến độ thiết kế, giảm cự ly vận chuyển đất đắp nhằm giảm chi phí đầu tư công trình, tránh phát sinh, ảnh hưởng đến giao thông, khu dân cư sinh sống...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long biểu dương sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp dự án và các sở, ngành liên quan. Đồng chí nhận mạnh: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, đáp ứng nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối trung tâm kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển, các tỉnh vùng núi phía Bắc với các khu kinh tế, khu công nghiệp, kinh tế cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không... trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng.
Quảng Ninh đang quyết tâm khởi công trong Quý I/2019, đến nay chưa có dự án nào GPMB đi trước và nhanh như vậy, điều này tạo cơ hội rất tốt để nhà đầu tư tập trung triển khai dự án.
Đối với các kiến nghị, đồng chí yêu cầu những địa phương còn vướng mắc mặt bằng phải khẩn trương hoàn thành, dứt điểm xong trong tháng 2/2019 để bàn giao cho nhà đầu tư. Trong quá trình GPMB cần quan tâm đến công tác tổ chức tái định cư, đảm bảo đời sống ổn định cho nhân dân.
Đối với quy hoạch mỏ đất, bãi đổ thải, cần xác định rõ vị trí cụ thể, ưu tiên nơi thuận lợi, phối hợp với công tác quy hoạch phát triển địa phương để cấp phép cho phù hợp, hình thành quỹ đất phát triển mới trong phát triển đô thị, đảm bảo chất lượng đất đắp, giảm cự ly vận chuyển. Toàn bộ danh giới khai thác mỏ đất, đổ thải đều tính toán vào tổng thể dự án. Đơn vị tư vấn thiết kế cần tính toán để cân bằng đất đắp, đổ thải, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì, tổ chức khảo sát thực tế để hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo UBND tỉnh cấp phép.
Đối với phụ lục hợp đồng, tổ công tác cần rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn để có phương án khả thi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện đàm phán ngân hàng sớm bố trí vốn. Doanh nghiệp dự án cần khẩn trương tiếp cận mặt bằng, thực hiện phát quang, xử lý thực bì, bóc đất hữu cơ.