Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, tỉnh Thái Bình đã nỗ lực đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều công trình giao thông đã hoàn thành đạt và vượt tiến độ, kịp thời đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, theo hướng hiện đại là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo đột phá chiến lược để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong không khí vui tươi phấn khởi đầu xuân Kỷ Hợi 2019, tỉnh Thái Bình tổ chức động thổ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có chiều dài 34,42km, trong đó điểm đầu tại km9+76 đấu nối với điểm cuối dự án tuyến đường ven biển thành phố Hải Phòng và 9km thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, điểm cuối tại Km43+577 đấu nối với điểm đầu Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.872 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021. Cơ chế thực hiện dự án là nhà đầu tư xây dựng trạm thu phí để thu tiền sử dụng đường bộ hoàn vốn đối với phần vốn của nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng dự án theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án là 23 năm 3 tháng (từ năm 2022 đến năm 2045). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc đạt 80km/giờ. Đồng thời xây dựng mới các cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực có bề rộng theo quy mô nền đường. Các cầu lớn như cầu vượt sông Trà Lý và cầu vượt sông Hồng sẽ được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng...
Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua xã Thụy Tân (Thái Thụy) đang tiến hành thi công.
Để thực hiện Dự án, về mặt bằng sẽ phải giải phóng, thu hồi đất của 6 xã thuộc huyện Thái Thụy, 13 xã thuộc huyện Tiền Hải và 1 xã thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đối với phần đất nông nghiệp đã hoàn thành chi trả tiền đền bù trên 80% diện tích đất thu hồi, tương ứng khoảng 28/34,42km; đối với phần đất ở, các địa phương đang tiến hành kiểm đếm, lên phương án đền bù tài sản trên đất đồng thời tiến hành xây dựng các khu tái định cư. Đối với những diện tích phải giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Nam Định, đang hoàn thiện hồ sơ trích lục, trích đo địa chính.
Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư; cùng các sở, ban, ngành của tỉnh thẩm định và phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi tuyến đường đi qua; tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển./.