Thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 Bình Dương sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh... theo Quyết định số 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ngành Giao thông - vận tải đã cùng với Tổng công ty Becamex IDC tiếp tục thực hiện sứ mệnh “Giao thông đi trước mở đường phát triển, hội nhập”.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn góp phần phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh
Mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt
Khu Liên hợp Công nghiệp- Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (gọi tắt là khu liên hợp) được thiết kế hiện đại, tổng hợp nhiều chức năng công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Khu liên hợp có các trục giao thông chính kết nốt giữa khu liên hợp với các tuyến giao thông đối ngoại và khu vực xung quanh là những tuyến đường lớn, có lộ giới 46,5m; đường trục chính trong các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ có lộ giới 36,5m; các tuyến nội bộ có lộ giới tối thiểu từ 2 làn xe trở lên. Với hệ thống giao thông đô thị đủ rộng lớn đó, Bình Dương đã tạo dựng cho mình vóc dáng riêng theo hướng đô thị trẻ, văn minh, hiện đại, năng động và thân thiện với môi trường. Có thể thấy, hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chuỗi đô thị cũ và mới theo hướng biện đại; đồng thời kết nối các khu vực trên địa bàn tỉnh với khu liên hợp được thuận lợi, nhanh chóng.
Tại khu liên hợp, đường tạo lực số 1 (đường Võ Văn Kiệt) nối liền khu này với đường ĐT743, đường Tạo lực số 6 nối liền với quốc lộ 13. Hai tuyến đường này tạo ra cửa ngõ phía nam, đồng thời với việc đầu tư mở rộng tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (đường vào Trung tâm Hành chính tỉnh) và đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn của khu vực, kết nối giao thông thông suốt giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Trong khi đó, tuyến đường Tạo lực số 2B nối liền khu vực phía đông khu liên hợp với đường ĐT746. Đây là cửa ngõ thông thương ra cảng Thạnh Phước (TX.Tân Uyên), sông Đồng Nai, cảng quốc tế nước sâu Thị Vải..; tuyến đường Tạo lực N14 nối liền đường ĐT741 là cửa ngõ phía bắc của khu liên hợp, giữ vai trò tiếp nhận, giao lưu hàng hóa từ tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên. Cùng với đó, khi tuyến đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh được hình thành sẽ là trục đông - tây của khu liên hợp, cũng như của tỉnh Bình Dương kết nối chuỗi đô thị Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh thông suốt. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại, vừa hội tụ về thành phối mới Bình Dương vừa lan tỏa mạnh mẽ vào mạng lưới giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lấy phương tiện công cộng làm trung tâm
Phát triển đô thị phải gằn liền với phát triển giao thông công cộng nhằm hướng đến đô thị văn minh, hiện đại là yêu cầu đặt ra trong thiết kế, quy hoạch giao thông - vận tải của tỉnh. Ông Tamachi, Trưởng đoàn khảo sát của JICA, cho biết tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên kết thúc tại ga bến xe Suối Tiên nhưng là điểm đầu để thu hút khách từ Bình Dương đi TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Khu vực này còn được quy hoạch bến xe Miền Đông mới rộng 16ha, nên sẽ là nơi tập trung hành khách rất lớn. Nơi đây là điểm kết nối giao thông quan trọng, là cửa ngỏ của 1 thành phố và 2 tỉnh nên cần tạo sự thay đổi lớn về phương thức giao thông.
Theo ông Tamachi, việc nâng cao tính kết nối giữa các đô thị bằng việc triển khai BRT (xe buýt nhanh đô thị) và phát triển TOD (đường sắt đô thị), cùng với việc sắp đặt hợp lý các chức năng đô thị dọc tuyến sẽ hình thành trục đô thị mật độ cao, tạo sự thay đổi trong phương thức giao thông của Bình Dương. Giải pháp này nhằm ngăn chặn tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh nhờ hạn chế được phương tiện cá nhân và gia tăng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng; đồng thời tăng lượng người đi lại trên tuyến, tạo cơ sở cho MRT được nối dài và phát triển trong tương lai. Đây chính là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (gọi tắt là TOD) mà nhiều đô thị trên thế giới đã áp dụng thành công, điển hình như thành phố Curitiba của Brazil. Trước đó, thành phố này chỉ là vùng đất không bằng phẳng, nhà cửa thưa thớt, nhưng đến năm 2012 nơi đây là một đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới.
Điều đáng quan tâm trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật gồm hạ tầng giao thông, điện, nước ở Bình Dương là sự đầu tư đồng bộ với tầm nhìn đến hàng chục năm. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, chia sẻ đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật nhà đầu tư cần có nguồn vốn dài hạn đến vài chục năm, để không phải làm đi làm lại ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Muốn làm được điều đó, ngoài năng lực chuyên môn, còn phải kể đến trách nhiệm với cộng đồng.
Với sứ mệnh “Giao thông đi trước mở đường phát triển, hội nhập”, hệ thống giao thông - vận tải của Bình Dương từ nhiều năm qua đã được quy hoạch, đầu tư theo hướng liên kết mật thiết giữa chùm đô thị vệ tinh với các khu công nghiệp, hướng về trung tâm thành phố mới Bình Dương. Nhờ sự kết nối liên thông, liên hoàn trong thiết kế giao thông đã giúp cho tỉnh rút ngắn khoảng cách địa lý giữa nông thôn và thành thị. Có thể thấy, hệ thống giao thông của Bình Dương đã góp phần tích cực vào việc xây dựng, phát triển thành phố Bình Dương văn minh, hiện đại trong thời gian tới.