Với thị trường hơn 1,2 triệu dân, trong đó có hơn 280.000 công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đây là môi trường thuận lợi cho phát triển vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh. Song thời gian qua, sự phát triển của loại hình vận vải này trên địa bàn tỉnh được đánh giá là chưa đúng với tiềm năng.
Xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh tại Bến xe Bắc Ninh
Thống kê từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 8 doanh nghiệp vận tải khai thác 48 tuyến cố định liên tỉnh đi 14 địa phương trong cả nước với 77 phương tiện. Trong khi theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, Bắc Ninh được cấp phép khai thác 271 tuyến cố định liên tỉnh. Các tuyến vận tải khách liên tỉnh do doanh nghiệp vận tải trong tỉnh khai thác chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La hay một số tỉnh Bắc Trung bộ như Nghệ An, Thanh Hóa…
Cũng trong năm 2018, các doanh nghiệp chỉ thực hiện được hơn 12.400 chuyến, đạt 87% kế hoạch đề ra. Theo đánh giá, trong các tuyến vận tải khách liên tỉnh thì tuyến đi từ thành phố, các huyện của Bắc Ninh đến Cao Bằng, Thanh Hoá chiếm đa số, một số tuyến đi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Trị, Hà Giang, Hải Phòng… chưa có doanh nghiệp vận tải của tỉnh tham gia khai thác. Dù có nhiều cố gắng song các đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân đang sinh sống, làm việc trong tỉnh.
Công ty Vận tải Thành Trung - TNHH (thành phố Bắc Ninh) hiện được đánh giá là đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh có quy mô lớn nhất trong tỉnh khi đang khai thác 15 tuyến đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Thái Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng. Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm và nỗ lực khá lớn để xây dựng thương hiệu trên lĩnh vực này song hiện tại kết quả kinh doanh vận tải của đơn vị nhiều lúc vẫn chưa được như ý muốn. Cùng với Công ty Thành Trung, Công ty TNHH Vận tải Trường Vân (Yên Phong) đang khai thác 13 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh đi các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Giang, Thái Bình. Trong thời điểm hiện tại, mục tiêu của doanh nghiệp là cố gắng duy trì hoạt động các tuyến cũ chứ không mở thêm tuyến mới. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là Bắc Ninh chỉ là nơi trung chuyển của các tuyến vận tải đường dài chứ không phải là đầu mối vận tải khách lớn nên việc mở tuyến mới hiệu quả sẽ không cao. Hơn nữa, nhu cầu của hành khách đòi hỏi chất lượng phương tiện tốt, tiện nghi, nên suất đầu tư lớn trong khi năng lực tài chính của đơn vị còn hạn chế.
Ngoài ra, hệ thống bãi xe, điểm đỗ cũng như việc tăng giá nhiên liệu, chi phí dọc đường, tiền công tăng trong khi giá vé chưa đáp ứng được chi phí thực tế. Cùng với đó là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, nhất là loại hình xe hợp đồng song khai thác như chạy tuyến cố định hoạt động không bến bãi, điểm đầu, điểm cuối với ưu điểm đến tận nhà đón khách, giá cả phải chăng nên đã hút một lượng hành khách đáng kể khiến nhiều chủ xe không dám đầu tư lớn để mở tuyến mới.
Để thực hiện mục tiêu giữ nguyên các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đang hoạt động, mở thêm tuyến vận tải hành khách cố định bảo đảm kết nối với tổng số 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, đáp ứng nhu cầu vận tải liên tỉnh của 1,635 triệu lượt hành khách/năm, Sở Giao thông vận tải tỉnh chủ động phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô, tập trung xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động; chủ động nắm bắt tình hình, thanh kiểm tra các doanh nghiệp vận tải có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo hướng bình đẳng, đúng loại hình đăng ký và tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường xử lý vi phạm thông qua dữ liệu được trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát điều chỉnh quy hoạch các tuyến vận tải khách bằng xe ô tô phù hợp với tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh và nhu cầu thực tế của người dân; cập nhật, bổ sung và công bố công khai biểu đồ xe chi tiết các tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, mở mới các tuyến đã được quy hoạch nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.