Bình Dương: Hạ tầng giao thông “chạy đua” cùng logistics

Thứ tư, 20/03/2019 09:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều năm qua, Bình Dương liên tục nằm trong tốp đầu cả nước về xuất nhập khẩu. Tuy vậy, trong niềm vui đó, tỉnh vẫn còn nỗi lo về hạ tầng giao thông đường bộ lẫn đường thủy để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn cho ngành logistics của địa phương.

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tổng hợp Bình Dương

Vui nhưng vẫn lo

Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước thiết lập kỷ lục mới, đạt hơn 482 tỷ USD và lần đầu tiên xuất siêu đạt trên 7,2 tỷ USD, trong đó tập trung ở 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 25,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2017, chiếm 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; trong khi đó nhập khẩu đạt 20,5 tỷ USD. Như vậy, trong năm qua Bình Dương xuất siêu khoảng 4,7 tỷ USD. Với kết quả này, Bình Dương cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và liên tục giữ đà xuất siêu cao.

Xuất siêu tốt sẽ mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong niềm vui ấy lại kèm cả nỗi lo của tỉnh về hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động logistics. Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ở Bình Dương mới đây, lãnh đạo tỉnh cho biết nếu không kịp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sớm giải quyết bài toán hạ tầng giao thông, có thể trong vòng 3 - 5 năm nữa, hoạt động logistics tại Bình Dương sẽ trở thành bài toán nan giải. Logistics là hoạt động không kém phần quan trọng để xuất khẩu hàng hóa, đưa hàng hóa Bình Dương gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu hoạt động logistics không thông suốt thì nguy cơ đình trệ sản xuất, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh hiển hiện ra trước mắt.

Bình Dương tuy không có sân bay, cảng biển, vận tải đường sông lại bị độ tĩnh không của cầu hạn chế việc vận chuyển bằng container, sà lan, trong khi các cảng sông chỉ có thể tiếp nhận được tàu trọng tải không quá 2.000 tấn… nhưng tỉnh lại có nhiều lợi thế khác như: Giáp TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai - 2 địa phương có tốc độ phát triển kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, luôn đứng trong tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, cùng với tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ trong những năm qua kéo theo nhu cầu vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng cao. Theo tính toán, cứ mỗi 3 phút lại có một container rời Bình Dương để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Những lợi thế trên cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp logistics trong những năm qua đã góp phần đưa Bình Dương chiếm hạng cao trong bản đồ xuất nhập khẩu cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tốc độc đô thị hóa nhanh, thu hút đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ngày càng nhiều như hiện nay đã dẫn đến tình trạng kẹt xe ở một số cửa ngõ chính của tỉnh. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận hiện nay, vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh đã dần quá tải. Chính vì thế, tỉnh cần nhắm đến việc giải phóng hàng hóa bằng các phương tiện vận tải thủy. Ông Liêm trăn trở: Dù nằm giữa hai con sông lớn là Đồng Nai và Sài Gòn nhưng những năm qua vận tải đường thủy của Bình Dương không phát triển như mong muốn là một điều hết sức đáng tiếc. Thêm vào đó, cần phải tăng cường tính liên kết vùng trên đường bộ để nhanh chóng giải phóng hàng hóa, đẩy nhanh tốc độ đưa hàng hóa từ nhà máy đến với cảng biển phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Nỗ lực gỡ khó

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2019, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15,5% so với năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm trên các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc Sở Công thương thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại chỗ giúp các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước gặp gỡ, tiếp cận để liên kết cung ứng cho nhau đã giúp tỷ lệ nội địa hóa của từng sản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng cao, giảm nhập khẩu, tăng giá trị xuất siêu.

Tuy nhiên, một vấn đề trăn trở lớn của tỉnh hiện nay là nâng cao năng lực hoạt động logistics của ngành giao thông vận tải. Hiện nay, vận chuyển hàng hóa của tỉnh chủ yếu là bằng đường bộ, cụ thể là có đến trên 90% tổng lượng hàng hóa vận chuyển là do đường bộ đảm nhiệm. Trong điều kiện như vậy, việc hoàn thiện hệ thống đường bộ là rất cần thiết đối với tỉnh, đặc biệt là đường bộ kết nối với cụm cảng và trung tâm logistics Dĩ An. Hiện nay, tỉnh đã có kế hoạch hoàn thành các tuyến như Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, ĐT744, ĐT746, đường ven sông Sài Gòn đi qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An, đường Hội Nghĩa - Cổng Xanh, đường Mười Muộn - Tân Thành… Những tuyến đường này sẽ giúp kết nối hệ thống đường bộ tỉnh với hệ thống đường bộ quốc gia tốt hơn.

Về đối ngoại, ngoài tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn chia sẻ gánh nặng vận tải hàng hóa với Quốc lộ 13, tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến đường mới Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, kèm theo đó là một cây cầu nối hiện đại quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng nối giữa Bình Dương với Đồng Nai. Về hướng Tây Ninh, ngoài tuyến đường Hồ Chí Minh do Trung ương đầu tư, Bình Dương còn lên kế hoạch xây dựng thêm cây cầu nối liền Bình Dương với Tây Ninh nhằm tăng tính liên kết vùng, giảm bớt áp lực vận tải hàng hóa về TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Về đường thủy, UBND tỉnh đã nhất trí thông qua quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở bám sát và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, hệ thống cảng, bến thủy nội địa của tỉnh được quy hoạch và phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch quốc gia và bảo đảm tính kết nối giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển; đáp ứng nhu cầu và góp phần giảm bớt áp lực trong vận tải đường bộ thông qua khối lượng hàng hóa, hành khách trong từng thời kỳ. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa cũng góp phần thúc đẩy phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh. Ngoài ra, việc tháo dỡ cầu sắt Phú Long cùng việc nâng cao tĩnh không cầu sắt Bình Lợi (TP.Hồ Chí Minh) cũng mở ra nhiều cơ hội cho giao thông đường thủy, giải phóng hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tương lai gần.

Bằng sự năng động, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, những năm qua, Bình Dương đã gặt hái được những thành công lớn về mọi mặt. Việc Bình Dương đặt quyết tâm cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại, đặc biệt là giao thông đường thủy sẽ góp phần giải phóng hàng hóa, dần đổi thay bộ mặt toàn tỉnh, giúp tỉnh thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

kimcuc

Nguồn: Báo Bình Dương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)