Thành phố Pleiku hiện có 2 “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) nằm trên quốc lộ 14 và 19. Ngành chức năng địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế các vụ TNGT xảy ra tại các “điểm đen” này.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku)
Trung tá Hồ Thanh Sơn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku-cho biết: 2 “điểm đen” TNGT này là đoạn quốc lộ 19 từ Công viên Đồng Xanh (xã An Phú) đến đầu đường đôi Lê Duẩn và đoạn quốc lộ 14 từ ngã ba Lê Chân-Phạm Văn Đồng đến gốc gạo cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng (phường Yên Thế). Thời gian qua, dù lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an thành phố thường xuyên tuần tra kiểm soát tại 2 đoạn đường này nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT làm chết người. Cụ thể, trên tuyến quốc lộ 19, đoạn từ nút giao thông Phù Đổng đến hết địa phận xã An Phú (TP. Pleiku), từ giữa tháng 12-2017 đến nay đã xảy ra 4 vụ TNGT nghiêm trọng. Trong đó, riêng đoạn đường được coi là “điểm đen” đã xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng, chưa kể các vụ va chạm giao thông không gây chết người. Cùng khoảng thời gian này, đoạn đường được coi là “điểm đen” trên quốc lộ 14 xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Về nguyên nhân gây TNGT, Trung tá Hồ Thanh Sơn cho rằng, ngoài lỗi chủ quan từ phía người điều khiển phương tiện như: chạy quá tốc độ cho phép, đi sai phần đường, làn đường… thì một phần là do hạ tầng giao thông tại các khu vực này còn nhiều bất cập. “Dân cư hai bên đường đông đúc, mật độ giao thông lớn kèm theo nhiều điểm đấu nối với các tuyến đường hẻm dân sinh nên dễ xảy ra TNGT. Ngoài ra, đoạn đường có góc cua khiến tầm nhìn bị hạn chế, đường có sự thay đổi chiều rộng bề mặt, thay đổi tốc độ cho phép đối với phương tiện lưu thông nên tài xế có xu hướng tăng/giảm tốc độ bất ngờ nếu chủ quan sẽ rất dễ gây tai nạn”-Trung tá Sơn phân tích.
Để hạn chế TNGT xảy ra tại các “điểm đen”, thời gian qua, Công an TP. Pleiku đã tham mưu các cơ quan hữu quan lắp đặt hoàn thiện hệ thống đèn điện chiếu sáng giúp người điều khiển phương tiện tăng khả năng quan sát, làm chủ tình huống. Tuy nhiên, về lâu dài, các đoạn đường này rất cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông. Nói về vấn đề này, ông Phan Hữu Hiếu-Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh-cho biết: “Ban An toàn Giao thông tỉnh thường xuyên rà soát, nghiên cứu những bất cập trong tổ chức giao thông để có đề xuất, kiến nghị kịp thời nhằm giảm nguy cơ xảy ra TNGT. Đối với các “điểm đen” TNGT, Ban An toàn Giao thông tỉnh đề nghị lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương, đặc biệt là các trường học lân cận khu vực “điểm đen” phải nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở học sinh và người dân về việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông Đường bộ. Đồng thời, Ban sẽ nghiên cứu đề xuất các cơ quan liên quan về việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các đoạn đường thường xuyên xảy ra TNGT”.
“Trong lúc chờ các đoạn đường này được đầu tư nâng cấp, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng phối hợp với Công an các xã, phường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, tự bảo vệ mình trước nguy cơ TNGT. Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ để hạn chế tối đa TNGT xảy ra tại các “điểm đen” này”- Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku cho biết thêm.