Thời gian qua, ngành GTVT tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường thuỷ nội địa xảy ra trên địa bàn.
Những năm qua, ngành Giao thông vận tải luôn chú trọng tăng cường
công tác kiểm soát tải trọng xe, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh
Những năm qua, ngành GTVT tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu kịp thời cho tỉnh trên các lĩnh vực về quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển, quản lý khai thác hệ thống giao thông trên địa bàn; thực hiện tốt chức năng là cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về giao thông vận tải; tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị định, quyết định của Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giao thông vận tải. Bên cạnh đó, Ngành cũng đã triển khai kịp thời công tác duy tu, sửa chữa mạng lưới đường tỉnh và quốc lộ ủy thác, bảo đảm giao thông thông suốt, liên tục trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường còn chậm do nguồn vốn đầu tư hạn chế; việc kiểm tra, kiểm soát sửa chữa hư hỏng các công trình giao thông vẫn chưa kịp thời; nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu so với nhu cầu. Cùng với đó, công tác lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên các quốc lộ và tỉnh lộ còn phổ biến, khó ngăn chặn; hành lang an toàn đường bộ tiếp tục bị xâm lấn do công tác quản lý đất đai tại một số địa phương chưa tốt.
Công tác quản lý vận tải, trong đó có vận tải hành khách đã từng bước đi vào nền nếp, tuy nhiên chưa xử lý được tình trạng vận tải khách hợp đồng không có tuyến, không vào bến đón trả khách gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng tới hoạt động của xe hợp đồng theo tuyến cố định. Hoạt động vận tải khách bằng xe buýt chất lượng có hạn, nên chưa thu hút, hấp dẫn người tham gia giao thông nhằm giảm phương tiện cá nhân. Công tác đăng ký phương tiện thuỷ nội địa cũng gặp khó khăn, vì các phương tiện hoạt động đan xen giữa phục vụ đi lại, đánh bắt, khai thác thuỷ sản của người dân với vận chuyển, chở khách khi có nhu cầu… cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Khắc phục thực trạng trên, nhiều năm qua Sở GTVT đã không ngừng đổi mới công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn bằng nhiều việc làm cụ thể như, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, nội dung, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, địa phương. Cải cách thủ tục hành chính và áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đăng ký, kiểm định và quản lý phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, bằng và chứng chỉ lái phương tiện thuỷ nội địa… Điều này, vừa tạo thuận lợi cho nhân dân, vừa góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Công tác quản lý, điều hành, thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa; quy hoạch, quản lý, phát triển hạ tầng giao thông; quản lý vận tải; thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ cũng được quan tâm thực hiện quyết liệt. Nhờ vậy, đã góp phần tích cực cùng các lực lượng chức năng, các địa phương trên địa bàn hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông xảy ra…
Để công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả trong thời gian tới, ngành GTVT tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy; quản lý khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang đường bộ…