Thời gian qua, TP Cẩm Phả đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý cảng, bến thủy nội địa, nhất là các cảng, bến liên quan đến than, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Trên địa bàn TP Cẩm Phả hiện có 37 cảng, bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động. Trong đó có 19 cảng, bến than; 8 cảng, bến vật liệu xây dựng và hàng hóa; còn lại là cảng, bến phục vụ vận chuyển khách, nhiệt điện, đóng tàu. Cùng với đó, 3 cụm cảng lớn (Cẩm Hải, Km6, Khe Dây) do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và các doanh nghiệp khai thác với sản lượng than và hàng hóa qua cảng trên 15 triệu tấn/năm.
Cụm cảng Km6, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
Trước đây, tình hình hoạt động tại các cảng, bến và công tác quản lý nhà nước đối với các cảng, bến trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập do chưa có quy hoạch tổng thể. Một số tổ chức, cá nhân tự ý san gạt, lấn chiếm đất để hình thành các bến, bãi. Có thời điểm trên địa bàn thành phố có tới trên 50 cảng, bến, trong đó có trên 20 cảng, bến tự phát, vì thế đã tác động không nhỏ tới môi trường, hoạt động sản xuất tiêu thụ than, hàng hóa và tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh” và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc sắp xếp cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than và tuyến đường vận chuyển than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, TP Cẩm Phả đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn.
Theo đó, Cẩm Phả đã tiến hành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Cụm cảng Km6 tại phường Quang Hanh, Cụm cảng Mông Dương - Khe Dây tại phường Cửa Ông, Mông Dương; điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm cảng Cẩm Hải, với tổng diện tích quy hoạch trên 339ha để các chủ đầu tư tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng cảng.
Thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đối với hoạt động của các cụm cảng, bến thủy nội địa. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn. Qua thanh, kiểm tra, đã xử lý 4 bến thủy nội địa tự phát không có giấy phép hoạt động; rà soát công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý cảng, bến, bãi tiêu thụ than, cảng hàng hóa tại cụm cảng Km6, cụm cảng Khe Dây, cảng 10/10 để đôn đốc, yêu cầu các đơn vị giải tỏa lượng than, đá xít tồn đọng tại các cảng bến nằm ngoài quy hoạch. Cùng với đó, thành phố phối hợp với các đơn vị ngành Than trong công tác bảo vệ ranh giới mỏ, bến bãi, chế biến, tiêu thụ than, xây dựng các tuyến đường vận chuyển chuyên dùng để đảm bảo hoạt động và an ninh trật tự tại các cảng, bến.
Thành phố siết chặt công tác quản lý các cảng, bến bãi than, vật liệu xây dựng theo quy hoạch. Trạm kiểm soát và các tổ công tác liên ngành của địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển tài nguyên trái phép, nhất là trong mùa khô và các dịp nghỉ lễ, tết; xử lý kịp thời xe ô tô quá khổ, quá tải, cơi nới thành, thùng xe trên tuyến đường chuyên dùng. Trong 5 năm (2014-2019), các lực lượng chức năng của thành phố đã bắt giữ, xử lý 242 vụ việc vi phạm, phạt trên 4 tỷ đồng; xử lý 10.000 tấn than các loại; chỉ đạo, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng công trình trái phép, sai quy hoạch đối với 8 đơn vị doanh nghiệp và 4 cá nhân tại Cụm cảng Km6, buộc khắc phục triệt để hậu quả hành vi vi phạm; thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất đai tại một số phường, xã (Quang Hanh, Cửa Ông, Mông Dương, Cẩm Hải, Dương Huy…) có hoạt động cảng, bến liên quan đến than.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, cho biết: Để nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn hiệu quả, nhất là các cảng, bến thủy nội địa liên quan đến than, đảm bảo an ninh trật tự, bên cạnh tiếp tục siết chặt công tác quản lý, thành phố đã đề nghị tỉnh rà soát, sắp xếp lại hệ thống cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than và tuyến đường vận chuyển than trên địa bàn. Qua đó, nhằm đảm bảo an toàn, trật tự, môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dân cư và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, xem xét thu gọn, thống nhất đầu mối các cảng tiêu thụ than, tập trung tại các khu vực cảng, bến chuyên xuất than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, không cho phép thêm cảng của các đơn vị ngoài ngành Than, nhất là cảng hàng hóa tổng hợp và cảng chứa than đan xen lẫn nhau tại Cụm cảng Km6 gây khó khăn cho công tác quản lý.