Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của ngành Giao thông vận tải luôn được xác định là công việc thường xuyên, liên tục với phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.
Công ty Cổ phần Hoàng Hà được giao dự phòng 10 phương tiện để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Năm 2018 có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Thái Bình đã làm mặt đường một số đoạn bị ngập nước trong thời gian dài, gây hư hỏng, bong bật, phát sinh ổ gà, ảnh hưởng đến giao thông trên một số tuyến đường. Ngay sau khi bão tan, nước rút, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ngành Giao thông vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị khẩn trương thực hiện khơi thông cống rãnh, các vị trí cống bị bồi lấp bảo đảm khả năng thoát nước cho đường, đồng thời xử lý các vị trí mặt đường bị hư hỏng. Do làm tốt công tác chuẩn bị từ trước nên ngành Giao thông Vận tải đã kịp thời khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.
Theo đánh giá, năm 2018, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ngành Giao thông vận tải và các đơn vị đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác PCTT và TKCN, nhanh chóng, kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng PCTT và TKCN còn hạn chế, thiếu các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, thiếu các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc nắm bắt thông tin về mưa bão của các phương tiện hành nghề trên biển còn hạn chế. Phương tiện, thiết bị của các đơn vị phục vụ công tác PCTT và TKCN đôi lúc còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Mùa mưa bão năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, gây khó khăn trực tiếp cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Xác định nhiệm vụ PCTT và TKCN là việc làm thường xuyên của toàn ngành, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ PCTT và TKCN tới cán bộ, công nhân viên, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chuẩn bị tốt nhân lực, trang thiết bị dự phòng để chủ động trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị đồng thời phục vụ cho việc huy động khi có lệnh của cấp trên.
Để chủ động PCTT và TKCN năm 2019, Sở Giao thông vận tải yêu cầu Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình, Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại 516 tổ chức thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống. Trong đó, tập trung vào bạt lề, khơi thông cống rãnh để phát huy chức năng thoát nước nhằm chống hư hỏng lề, mặt đường do bị ngập nước. Đối với các vị trí xung yếu, có khả năng sạt, trượt phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để gia cường, bảo đảm an toàn công trình giao thông. Kiểm tra, chặt tỉa, đốn hạ các cây xanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi có thiên tai xảy ra. Sơn sửa, cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu, dự phòng cọc tiêu để cắm cho các đoạn đường bị ngập nước...
Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng phòng Pháp chế và an toàn, Sở Giao thông vận tải cho biết: Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải cũng yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công trình giao thông. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhanh chóng phát hiện những hư hỏng, mất an toàn cho đường, cầu, cống, đôn đốc đơn vị được giao quản lý sửa chữa kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu chủ hoặc người điều khiển phương tiện thủy tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền vào kết cấu cầu và phải có phương án phòng, chống va trôi các phương tiện thủy vào công trình cầu.
Chủ động phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố, lực lượng công an, Thanh tra Cục đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra các bến phà, bến khách ngang sông. Trong quá trình kiểm tra, phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị an toàn, bằng lái của người điều khiển phương tiện, giấy phép mở bến khách ngang sông. Các đơn vị vận tải phải thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật, hệ thống thông tin, tín hiệu liên lạc cho phương tiện theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu và người điều khiển phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác PCTT và TKCN...