Thiếu vốn đầu tư, nhiều tuyến đường tỉnh (ĐT) trên địa bàn đã xuống cấp ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông và hệ lụy gây ô nhiễm môi trường cho người dân sinh sống hai bên đường. Nhiều tuyến đường đang rất cần các cấp, các ngành quan tâm nâng cấp để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn.
Tuyến ĐT 496B mới được đầu tư nâng cấp.
“Đường thôn, đường xã thì tốt nhưng đến khi chạy ra ĐT lại xấu, mặt đường thì gồ ghề, ổ gà, ổ trâu san sát rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông…’’. Đó là ý kiến của các cử tri xã Bồ Đề, An Ninh (Bình Lục) về tuyến ĐT496.
Con đường này dài 18,44km (qua địa phận 6 xã gồm: Tràng An, Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ năm 2010. Quy mô nâng cấp dự án: Cải tạo sửa chữa mặt đường tuyến cũ dài 16,24 km, theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng, có chiều rộng nền đường 5,5 m, mặt đường 3,5 m; cải tạo tuyến đoạn từ Km9 + 592 đến Km11 + 592 dài 2,2 km theo quy mô đường cấp V có chiều rộng nền đường 7,7 m, mặt đường 5,5 m. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là hơn 102 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do thiếu vốn mới cải tạo tuyến dài 2,2 km, sửa chữa tuyến cũ từ dốc Mỹ đến cầu An Bài dài hơn 5,62 km, còn lại nhà thầu đang thi công cầm chừng. Do lâu ngày chưa được nâng cấp, đoạn qua các xã An Ninh, Bồ Đề đã xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Trần Tất Sáu, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: Rất nhiều lần cử tri kiến nghị về tình trạng xuống cấp của tuyến ĐT 496 song xã cũng chỉ biết tổng hợp kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết. Tuyến đường này kết nối đi Nam Định và với đường nối hai cao tốc nên nhu cầu của người dân đi lại nhiều rất cần có sự quan tâm của Nhà nước đầu tư nâng cấp để thúc đẩy kinh tế trong vùng phát triển và nâng cao đời sống dân sinh.
Cũng như ĐT496, tuyến ĐT495C có chiều dài 17,5 km chạy dọc phía Tây sông Đáy đi qua các xã: Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) đang xuống cấp do xe chở vật liệu xây dựng khu vực núi đá gây ra. Tuyến đường này được thi công xây dựng từ năm 2002, đến nay mặt đường đã xuống cấp, ngày càng xuất hiện nhiều thùng vũng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trước tình trạng đó, UBND huyện Thanh Liêm đã vận động các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nâng cấp mặt đường ở trước cửa các doanh nghiệp. Đến nay, đã có Công ty TNHH Hợp Tiến, Công ty cổ phần Nam Hà, Công ty xi măng Visai… tự bỏ vốn đầu tư thảm 2 lớp nhựa (bao gồm thảm hạt thô và mịn), dày 12cm trên chiều dài tuyến khoảng 7 km để phục vụ cho doanh nghiệp và người dân đi lại, còn lại gần 10 km đường đã xuống cấp đang cần nguồn vốn đầu tư xây dựng.
Ngoài tuyến ĐT 496B, 495C, ĐT 495 cũng đang rất cần đầu tư nâng cấp. Bởi, các tuyến ĐT sau khi được nâng cấp sẽ kết nối giao thông giữa quốc lộ và đường huyện, đường giao thông nông thôn, tạo ra hệ thống giao thông khép kín, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, thúc đẩy kinh tế trong vùng phát triển.
Theo ông Khổng Bình Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, hằng năm, Sở thường xuyên đi khảo sát các tuyến ĐT, nắm rõ thực trạng mặt đường từng tuyến. Trên cơ sở đó, đơn vị tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư. Quan điểm của ngành là ưu tiên đầu tư nâng cấp những tuyến quan trọng trước, có mật độ phương tiện, người dân tham gia giao thông cao, còn lại những tuyến có mật độ phương tiện tham gia giao thông ít hơn làm sau.
Do kinh phí có hạn, một số tuyến ĐT xuống cấp, đơn vị cũng đã bố trí nguồn kinh phí từ thu phí sử dụng đường bộ (phần tỉnh được hưởng) để duy tu sửa chữa cho người dân đi lại được an toàn, còn lại việc nâng cấp toàn tuyến phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư. Bởi thực tế, đầu tư nâng cấp một tuyến ĐT kinh phí rất tốn kém, có những tuyến có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.