Quảng Trị đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông

Thứ sáu, 19/07/2019 10:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ý thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Trị luôn ưu tiên quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này. Từ nguồn lực của Nhà nước kết hợp vận động nhân dân đóng góp, đến nay các đường liên thôn, bản đến các trung tâm xã đã được đổ bê tông kiên cố; đường liên xã, liên huyện không ngừng mở mới, nhiều cây cầu mới được xây dựng kết nối các vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh.

Cầu bắc qua sông Hiếu tại thành phố Đông Hà.

Giao thông thúc đẩy kinh tế

Tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, những con đường trải nhựa uốn lượn giữa những vườn hồ tiêu đang mùa thu hoạch; đường bê tông được xây dựng đến từng ngõ xóm. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Nguyễn Viết Túc cho biết, xã có 16 km đường giao thông được trải nhựa, 54 km đường bê tông. Vốn làm đường giao thông trải nhựa được Nhà nước đầu tư, còn đường bê tông phần lớn do người dân đóng góp. Nhờ hạ tầng giao thông thuận lợi cho nên thương lái tìm về mua nông sản tại vườn, giá cao hơn, thu nhập của người dân từ đó được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Vĩnh Kim luôn đứng đầu huyện.

Khi đường giao thông chưa được trải nhựa và tỷ lệ đường bê tông mới đạt 20%, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Kim chỉ 18 triệu đồng/năm. Sau 10 năm với chiến lược giao thông đi trước một bước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Kim đã trở thành ngọn cờ đầu không những của huyện Vĩnh Linh mà còn của cả tỉnh Quảng Trị về phát triển giao thông; đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng. Là địa phương gương mẫu trong phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, huyện Vĩnh Linh hiện có 240 km đường trải nhựa, 514 km đường bê tông, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở huyện được đánh giá hoàn chỉnh nhất so với các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị.

Xác định kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị luôn quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các xã khó khăn hàng nghìn ngày công, tiền mặt, hàng chục nghìn tấn xi măng, cát, sỏi để xây dựng đường nông thôn.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê-tông vào bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt, ông Hồ Văn Năng, người dân của bản Ka Hẹp phấn khởi cho biết, trước đây không có đường cho xe vào, củ sắn, củ khoai dân bản làm ra không bán được. Nay nhờ được đầu tư xây dựng con đường bê tông dài gần 2 km theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, rộng 5 m, người dân đi lại, giao lưu, làm ăn rất thuận lợi. Đường hoàn thành, nhiều gia đình mừng vui mổ heo ăn mừng. Có con đường, ô tô của thương lái vào tận nơi mua sản phẩm nông nghiệp cho nên các mặt hàng như gạo, sắn, trâu bò đều có giá cao hơn trước kia rất nhiều. Từ đó con đường đến trường cũng ngày càng dễ dàng hơn cho học sinh và giáo viên của thôn, bản.

Ở những đường liên thôn, bản, xã có suất đầu tư lớn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kêu gọi các nguồn vốn, vận động nhân dân ủng hộ tiền của, hiến đất. Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình huyện 30a, tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng đường liên xã Đa Krông - Mò Ó - Triệu Nguyên - Ba Lòng của huyện Đa Krông, dài hơn 20 km, rộng 7,5 m đến 10,5 m và cầu vượt sông Đa Krông. Đây là công trình trọng điểm của huyện Đa Krông giúp phá thế cô lập của các thôn, bản phía nam sông Đa Krông trong mùa mưa lũ, tạo điều kiện bố trí quy hoạch khu dân cư phục vụ di giãn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công trình chỉ mới hoàn thành được 50% khối lượng công việc nhưng đã tạo ra động lực lớn để người dân vùng chiến khu xưa này có thêm niềm tin phát triển kinh tế rừng và gò đồi, góp phần ổn định đời sống.

Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông

Đến nay, hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã đã được thảm nhựa, các cầu yếu, cầu tạm cơ bản được đầu tư nâng cấp, xây mới, một số công trình cầu lớn được xây dựng, mở mới nhiều tuyến đường chiến lược, đường nội thị, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng trong tỉnh. Hệ thống các bến xe, cảng biển, phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy tăng nhanh. Đáng chú ý, cảng biển Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng.

Tại công trình Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế đông nam Quảng Trị dài hơn 23 km, tổng kinh phí đầu tư 630 tỷ đồng, tiếng máy nổ rền vang, công nhân các đơn vị thi công khẩn trương, đầy trách nhiệm, cố gắng để hoàn thành công trình đúng dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm 2019. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị tập trung vào các dự án trọng điểm như: Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế đông nam Quảng Trị; công trình xây dựng cầu sông Hiếu và đường dẫn hai đầu cầu; đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn; gần 100 km đường dân sinh được bê tông nhựa hóa thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương đầu tư…

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị. Dự án Cảng hàng không Quảng Trị xây dựng tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Đây là một trong 28 cảng hàng không trong nước đưa vào khai thác giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cảng hàng không Quảng Trị cách TP Đông Hà khoảng 7 km, cách biển Cửa Việt 5 km, rất thuận lợi để du khách đi lại các trung tâm. Tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương kêu gọi các nhà đầu tư sớm khởi công xây dựng sân bay và đưa vào sử dụng sau năm 2020…

Theo đồng chí Lê Đức Tiến, ngoài sân bay Quảng Trị và đường nối từ sân bay Quảng Trị đến đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế đông nam Quảng Trị, quan trọng nhất là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay (Quốc lộ 15D) dài 92 km được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Việc hình thành tuyến đường này có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ tạo thêm trục hành lang song song với Hành lang kinh tế đông tây (Quốc lộ 9) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nhằm tăng cường giao thương, kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và ven biển miền trung với khu vực nam Lào, đông - bắc Thái Lan. Quốc lộ 15D kết nối vào tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15B của nước bạn Lào, hệ thống đường bộ Thái Lan và Mianma, kết nối Việt Nam với các nước Đông Nam Á tạo ra tuyến đường thuận lợi nhất và ngắn nhất từ Biển Đông của Việt Nam đến Ấn Độ Dương, chỉ dài khoảng 1.300 km.

Nhờ kết cấu hạ tầng giao thông được kết nối, riêng trong hai quý đầu năm 2019, tỉnh Quảng Trị có 10 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 17 nghìn tỷ đồng, có sáu dự án điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư; 26 dự án đang nghiên cứu làm thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 156 nghìn tỷ đồng. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 150 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn hơn 40 nghìn tỷ đồng. Có nhiều yếu tố để doanh nghiệp chọn đầu tư ở Quảng Trị, trong đó hạ tầng giao thông là một yếu tố rất quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với các tỉnh trong khu vực, Quảng Trị dù khó khăn nhưng rất nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên thôn, xã, huyện, tỉnh; giao thông luôn đi trước mở đường cho các ngành kinh tế phát triển. Vì vậy kết cấu hạ tầng giao thông Quảng Trị khá đồng bộ: toàn bộ các xã có đường ô tô đến trung tâm, có đường sắt, đường sông, cảng biển Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, cảng biển. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Quảng Trị là thiếu vốn đầu tư. Tỉnh đang phấn đấu tiếp tục thu hút các nhà đầu tư sớm khởi công xây dựng sân bay, Quốc lộ 15D, đường Khe Sanh - Sa Trầm, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông tạo đột phá để phát triển.

Hệ thống đường giao thông toàn tỉnh Quảng Trị đến nay có 8.739 km, trong đó bảy tuyến quốc lộ dài hơn 508 km, 20 tuyến tỉnh lộ dài hơn 261 km, đường đô thị dài 871 km, đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm dài hơn 7.000 km. Kết cấu mặt đường bê tông xi măng chiếm 27,5%; bê tông nhựa 11,2%; trải nhựa 12,2%; cấp phối 37,3%. Có bốn tuyến đường thủy nội địa, 17 bến xe.

kimcuc

Nguồn: Báo Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)