Cùng với việc tăng cường các giải pháp kiểm tra tải trọng phương tiện, lực lượng thanh tra giao thông cũng triển khai xử lý các trường hợp tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Lực lượng thanh tra giao thông cân kiểm tra tải trọng phương tiện
Chúng tôi có mặt tại Km11, thuộc Quốc lộ 70, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình vào khoảng 9 giờ sáng khi tổ tuần tra lưu động của lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) đang làm nhiệm vụ tại đây. Dù tiết trời nắng bức, oi gắt nhưng tổ tuần tra vẫn dõi mắt trên đường để phát hiện và xử lý vi phạm.
Ông Đỗ Văn Nam - Phó Chánh TTGT, Sở GTVT Yên Bái cho biết: "Liên tục nhiều tháng nay, chúng tôi tăng cường các tổ kiểm tra tải trọng lưu động bằng cân xách tay trên các tuyến Quốc lộ 32, 37, 70, 2D và Tỉnh lộ 163, 166… Quá trình kiểm tra đã phát hiện được nhiều vi phạm nhưng việc xử lý mất nhiều thời gian do một số lái xe, chủ phương tiện không hợp tác. Trong 7 tháng qua, các tổ tuần tra đã kiểm tra gần 400 phương tiện, phát hiện, xử lý 65 trường hợp vi phạm về tải trọng, thu nộp ngân sách trên 288 triệu đồng”.
Cùng với việc tăng cường triển khai kiểm tra lưu động bằng cân xách tay thì lực lượng TTGT còn duy trì ổn định hoạt động của trạm cân tải trọng lưu động. Thời gian qua, trạm cân liên tục thay đổi vị trí để hạn chế tình trạng các phương tiện trốn tránh, đi đường vòng và tăng cường kiểm tra, khép kín các địa bàn. Từ đầu năm đến nay, trạm cân đã thực hiện kiểm tra 239 phương tiện, phát hiện và xử lý 29 phương tiện vi phạm, thu nộp ngân sách trên 84 triệu đồng.
Ông Ngô Quốc Trưởng - Chánh TTGT, Sở GTVT cho biết: "Bình thường, trạm cân duy trì trực 3 ca/ngày nhưng hiện nay đang cao điểm mưa lũ, chúng tôi phải phân công lực lượng đi các tuyến nên duy trì 2 ca/ngày. So với trước kia, lực lượng tham gia mỏng hơn nên gặp nhiều khó khăn, một số phương tiện cũng lợi dụng để trốn tránh, chây ì, không hợp tác khi có hiệu lệnh dừng xe kiểm tra”.
Cùng với việc tăng cường các giải pháp kiểm tra tải trọng phương tiện, lực lượng TTGT cũng triển khai xử lý các trường hợp tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải trên địa bàn. Quá trình kiểm tra trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, lực lượng TTGT đã xử lý 36 trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, quá trình kiểm tra, lực lượng kết hợp công tác phổ biến, nhắc nhở, tuyên truyền các quy định của pháp luật về tải trọng. Ngoài ra, lực lượng TTGT thường xuyên có mặt tại các bến bãi, doanh nghiệp thực hiện ký cam kết, vận động, tuyên truyền không bốc, xếp hàng hóa vượt quá tải, quá khổ cho phép…
Có thể nói, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng là "cuộc chiến” dai dẳng nhưng với những nỗ lực của các ngành, địa phương và lực lượng chức năng, nhiều vi phạm về tải trọng, kích thước thành, thùng được phát hiện và xử lý kịp thời, qua đó góp phần bảo đảm kết cấu hạ tầng các tuyến đường giao thông và trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng TTGT nói riêng đang gặp phải nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, chưa đáp ứng được việc thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường.
Do vậy, còn một số phương tiện đã lợi dụng việc không có mặt thường xuyên của lực lượng chức năng để chở hàng hóa, vật liệu vi phạm. Trong khi đó, một số chủ phương tiện và lái xe thuê người thường xuyên theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để báo cho các lái xe trốn tránh hoặc dừng xe trên đường, đóng cửa, bỏ đi gây khó khăn cho việc kiểm tra.
Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội Facebook, các lái xe thường xuyên thông tin về vị trí, tuyến đường của lực lượng chức năng. Do đó, việc kiểm tra xử lý các phương tiện vi phạm gặp rất nhiều khó khăn và không đạt hiệu quả cao…
Khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, lực lượng TTGT tiếp tục xây dựng kế hoạch, triển khai các cuộc kiểm tra chuyên đề về tải trọng tại các địa bàn, tuyến đường trọng điểm. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, ký cam kết việc thực hiện các quy định của pháp luật về tải trọng, kích thước thành, thùng, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương triển khai kiểm soát tải trọng ngay từ khâu bốc, xếp…
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tuần tra, xử lý vi phạm, các ngành chức năng cũng cần rà soát, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi theo dõi, thông báo hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ trên mạng xã hội và các phương tiện khác.