Hiện nay, trước sức ép của quá trình hội nhập cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ “ngay trên sân nhà”, các loại hình hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh An Giang buộc phải đổi mới phương thức quản lý, điều hành, tự làm mới mình để tồn tại và phát triển. Loại hình HTX giao thông - vận tải (GTVT) là một điển hình.
Cạnh tranh gay gắt
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 183 HTX hoạt động trong 6 lĩnh vực, gồm: nông nghiệp, thủy sản, tín dụng nhân dân, GTVT, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và tài nguyên-môi trường. Riêng loại hình GTVT, toàn tỉnh hiện có 19 HTX. Hiện, tổng doanh thu hàng năm của mỗi HTX trong tỉnh bình quân 5 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của 1 HTX là 850 triệu đồng/năm. Phần lớn các HTX đều hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho thành viên và cộng đồng.
Riêng loại hình HTX GTVT, ngoài chức năng đại diện cho thành viên tiếp xúc với cơ quan nhà nước, bản thân các HTX đã làm tốt vai trò là hạt nhân kết nối các hộ kinh doanh nhỏ lẻ (về phương tiện giao thông) lại với nhau để tạo nên mô hình kinh tế tập thể, dẫn dắt các hộ kinh doanh thực hiện đúng luật, đúng những quy định do nhà nước quy định. Hiện thành viên ở 19 HTX GTVT có 1.682 phương tiện, trong đó đường bộ 1.585 xe, đường sông 97 sà lan và ghe tải.
Những năm gần đây, kinh tế tổng thể gặp khó khăn, đáng lý ra các HTX trong cùng ngành nghề phải đoàn kết, chia sẻ khó khăn với nhau để làm tốt vai trò phục vụ thành viên, cộng đồng thì các thành viên trong HTX lại cạnh tranh với nhau rất khốc liệt “ngay trên sân nhà”. Chính sự cạnh tranh này đã làm các HTX ngày càng khó khăn, doanh thu ngày càng thấp, dẫn đến việc phục vụ cho lợi ích của thành viên trong HTX không được chu đáo.
Các hợp tác xã giao thông vận tải trên
địa bàn tỉnh nâng cao trách nhiệm phục vụ thành viên
“Khi chủ xe tự nguyện mang phương tiện đến tham gia thành viên HTX, khi đó HTX yêu cầu chủ phương tiện đó phải có giấy đăng ký xe, giấy lưu hành xe, bảo hiểm dân sự, bằng lái, giấy tập huấn, giấy khám sức khỏe, hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ… Khi có đủ những giấy tờ vừa nêu mới làm thủ tục trở thành thành viên. Do đây là quy định nên tất cả các HTX đều phải thực hiện như vậy mới đúng luật, đằng này một số HTX trong hoạt động loại hình này đã tự giảm bớt một số thủ tục, nhằm lôi kéo chủ phương tiện tham gia làm thành viên, việc này là hình thức cạnh tranh không lành mạnh” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX GTVT Trường Thịnh Lý Văn Hòa bức xúc.
Đổi mới cách làm
Ngoài việc cạnh tranh lôi kéo chủ phương tiện tham gia vào HTX của mình, ban điều hành các HTX GTVT còn cạnh tranh nhau ở lĩnh vực thu phí. Cụ thể, ở các HTX được thành lập lâu năm, mức thu phí trên mỗi phương tiện tham gia lúc nào cũng cao hơn so với các HTX mới thành lập, vì các khoản ưu đãi mà nhà nước dành cho các HTX mới thành lập đã hết, từ đó buộc lòng các HTX này phải thực hiện thu phí phương tiện cao hơn để bù đắp chi phí vận hành, hoạt động.
Trước sự cạnh tranh không lành mạnh trên, để tồn tại và phát triển bền vững, các HTX làm ăn chân chính phải tự đổi mới phương thức quản lý, điều hành, tự làm mới mình nhằm giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả phục vụ thành viên và cộng đồng.
Cụ thể, HTX GTVT Trường Thịnh, ngay sau khi nhận thức được vấn đề này, ban điều hành đã mạnh dạn đề xuất với hội đồng quản trị đổi mới mô hình quản lý, củng cố nhân sự tại các bộ phận, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các thành viên trong ban điều hành. Thu tuyển người có đủ trình độ, năng lực để tham gia thực hiện công việc của HTX. Những người điều hành theo kinh nghiệm, không đủ bằng cấp được thay thế bằng những người có trình độ chuyên môn, làm việc tốt trong môi trường mạng. Hoạt động của ban điều hành được thực hiện theo phương châm ít người, nhiều việc; làm hết việc chứ không hết giờ, từ đó đã đáp ứng được yêu cầu của thành viên trong cung cách phục vụ.
Đổi mới để tồn tại và phát triển, song loại hình hoạt động này gặp không ít khó khăn. Cụ thể, khi phương tiện của thành viên vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô như: chạy quá tốc độ, chạy quá giờ liên tục, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu hoặc không truyền dữ liệu, tài xế không khám sức khỏe hay không tuân thủ việc tập huấn nghiệp vụ… ban điều hành HTX không có biện pháp xử lý triệt để bởi Luật HTX quy định, khi tham gia làm thành viên HTX, chủ phương tiện chỉ cần tự nguyện, chấp hành điều lệ, quy chế hoạt động, chứ luật không quy định quá trình tham gia vào HTX, chủ phương tiện phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho HTX, chính điều này mà ban điều hành HTX không điều hành được lực lượng tài xế. Khi họ vi phạm, HTX cũng buộc phải chịu bị phạt nhiều hơn. Đây là điều rất bất cập trong loại hình kinh doanh này.
“Để tăng khả năng cạnh tranh, sắp tới, HTX thực hiện quy trình kinh doanh khép kín. Cụ thể, phương tiện sẽ thực hiện nhiệm vụ từ nhận hàng vận chuyển, giao hàng hoặc lưu kho mà không cần chủ hàng phải theo áp tải. Trong vận chuyển hành khách đi du lịch, chúng tôi sẽ thực hiện dịch vụ trọn gói, nghĩa là vừa vận chuyển, vừa lo cho hành khách ăn uống, ngủ nghỉ. Thực hiện các sản phẩm giá trị gia tăng để tăng doanh thu cho HTX” - ông Lý Văn Hòa thông tin.