Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hướng tới giảm tai nạn giao thông bền vững trên cả 3 tiêu chí, thời gian qua, ngành giao thông tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, góp phần đưa hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đi vào thực chất, hoạt động hiệu quả và đạt chất lượng.
Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đào tạo, sát hạch xe ô tô tại
Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh được đầu tư, nâng cấp
Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở đào tạo, sát hạch xe ô tô; 5 cơ sở đào tạo, sát hạch xe mô tô đạt các điều kiện về kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe theo Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ. Trong đó có Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh thực hiện sát hạch lái xe loại 2 (sát hạch đến hạng C); 2 sân sát hạch lái xe mô tô hạng A1 của Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh có gắn thiết bị chấm điểm tự động.
Đồng chí Hoa Văn Bảo, Trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết: Hằng năm, bên cạnh việc kịp thời triển khai các văn bản, quy định mới của Chính phủ, Bộ GTVT về quản lý đào tạo lái xe tới các cơ sở đào tạo theo quy định, Sở còn tích cực tham mưu cho tỉnh trong việc chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xe ô tô tập lái; nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; đảm bảo đủ nội dung, thời gian đào tạo theo quy định. Đối với đào tạo lái xe ô tô, các cơ sở đã quan tâm đầu tư một số xe mới phục vụ đào tạo; phân công giáo viên quản lý xe tự lái…
Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh đã chú trọng đầu tư các thiết bị như: hình ghép ngang, lắp các hệ thống camera giám sát, thiết bị chấm điểm tự động đối với xe sát hạch đường trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bãi đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Khi thi sát hạch trên mô hình, đường trường, camera sẽ tự động chụp hình thí sinh đang ngồi trên xe và các dữ liệu về thí sinh tham gia thi sát hạch được lưu trữ lâu dài phục vụ quá trình hậu kiểm.
Trong khâu kiểm tra, giám sát, chú trọng giám sát chặt chẽ thời gian lên lớp của các giáo viên giảng dạy, chú trọng nội dung đạo đức người lái xe, kỹ năng thực hành lái. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý đào tạo, đội ngũ giáo viên của các đơn vị; thực hiện giám sát các kỳ thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ của các cơ sở đào tạo lái xe theo quy định. Phân công, cử công chức quản lý, kiểm tra công tác đào tạo lái xe thông qua kế hoạch đào tạo của các cơ sở.
Phối hợp với Thanh tra Sở GTVT kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm kịp thời chấn chỉnh những cơ sở đào tạo lái xe chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GTVT. Yêu cầu các cơ sở đào tạo khắc phục những mặt còn hạn chế trong công tác quản lý, tuyển sinh, đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
Mặt khác, công tác tổ chức sát hạch được thực hiện chặt chẽ từ việc kiểm tra, xét duyệt hồ sơ, lưu trữ tài liệu cho đến việc tổ chức sát hạch. Kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót của cơ sở đào tạo, hạn chế tối đa tiêu cực và gian lận trong đào tạo, sát hạch… Từ đầu năm đến nay, các cơ sở đã đào tạo, sát hạch lái xe các hạng cho gần 4.000 lượt người; cấp mới hơn 2.000 GPLX; cấp đổi 1.757 GPLX.
Để đảm bảo công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hoạt động hiệu quả, chất lượng, thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương tiện; nâng cao chất lượng sân tập lái, trang thiết bị đồ dùng phục vụ công tác đào tạo; chú trọng bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp đổi, cấp lại GPLX, thực hiện cấp đổi GPLX tại các địa phương; tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm học viên tham gia học tập nghiêm túc; bảo đảm việc tổ chức sát hạch, cấp đổi GPLX đúng quy định…