Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, mở ra cơ hội phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế, cải thiện dân sinh, thúc đẩy KT-XH. Năm 2018, tỉnh đã đưa tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình vào khai thác, tạo sức hút các dự án đầu tư với số vốn lên tới hàng tỷ USD. Cùng với đó, nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn cũng đang được khẩn trương triển khai, bảo đảm tiến độ đề ra. Từ đó góp phần hiện thực nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình đưa vào khai thác mở ra động lực phát triển mạnh mẽ về KT-XH của tỉnh Hòa Bình.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 (Bình Thanh - Thung Nai - Ngòi Hoa) là dự án trọng điểm của tỉnh có tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Tổng chiều dài toàn tuyến đã điều chỉnh là 21,18 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III - miền núi; điểm đầu tại ngã ba Bình Thanh đi xã Thung Nai (Cao Phong); điểm cuối thuộc địa phận xóm Liếm, xã Ngòa Hoa (Tân Lạc). Đặc biệt có hạng mục đầu tư xây dựng cảng vịnh Ngòi Hoa theo tiêu chuẩn cấp II, năng lực đón 12 vạn khách/năm, tàu tải trọng 300 khách... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan, thu hút các dự án đầu tư vào vùng lõi của hồ Hòa Bình. Dự án được khởi công tháng 7/2018. Hiện nay, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt để phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch vào năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình cho biết: Dự án đường 435 có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng, chủ đầu tư và chính quyền các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đến nay đã cơ bản hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng toàn tuyến. Chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo nhà thầu, huy động phương tiện, nhân lực tổ chức thi công đồng loạt, đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2020, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trong những năm qua, kết cấu hệ thống giao thông của tỉnh Hòa Bình được chú trọng đầu tư bảo đảm tiến độ và chất lượng. Nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng được đưa vào khai thác, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh của tỉnh. Nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm được đầu tư, đưa vào khai thác như: đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cải tạo nâng cấp quốc lộ (QL) 6 (Xuân Mai - TP Hòa Bình); đường kết nối đường Hồ Chí Minh với QL 12B đi QL 1; cầu Hòa Bình 2, 3... Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông các huyện, thành phố cũng được tập trung đầu tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển KT- XH địa phương.
Trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình xác định tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH. Tỉnh tập trung thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016-2020. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá, tạo sức lan tỏa trong phát triển KT-XH.
Trong đó, chú trọng tới các tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường đến khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, đường nối QL với QL, tỉnh lộ với tỉnh lộ. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình trọng điểm như: Cầu Hòa Bình 2, đường nối từ QL 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), đường liên xã vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường Hang Kia - Cun Pheo - QL 6; các tuyến đường tỉnh. Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế, nguồn lực từ ngân sách đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Cầu Hòa Bình 4, đường nối QL 37, QL 10, QL 38B, QL 1 với đường Hồ Chí Minh; mở rộng QL 12B đoạn Nho Quan (Ninh Bình) - Tân Lạc; cải tạo QL 70, QL 15; đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường Ba Sao - Bái Đính (địa phận huyện Lạc Thủy). Tỉnh đang nghiên cứu, triển khai tuyến đường kết nối khu du lịch hồ Hòa Bình và khu du lịch Đồng Tâm, khu du lịch Tam Chúc tỉnh Hà Nam nhằm kết nối các tour, tuyến giữa tỉnh Hòa Bình với TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam, Ninh Bình; các tuyến đường xương cá với đường Hòa Lạc - Hòa Bình, xây dựng thêm tuyến đường tránh QL qua các khu dân cư. Tỉnh cũng đề xuất với T.Ư triển khai dự án đường vành đai 5 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 100% đường liên xã được cứng hóa mặt. Đồng thời, đầu tư hệ thống đường dân sinh trên địa bàn các huyện, bảo đảm an toàn giao thông cho vùng đồng bào dân tộc. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hệ thống QL đạt tiêu chuẩn cấp III trở lên; đường tỉnh cơ bản đạt cấp IV trở lên; giao thông đô thị phát triển theo hướng hiện đại, 100% mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng; đường huyện đạt tối thiểu cấp V, đường xã đạt cấp VI. Cùng với việc phát triển hệ thống đường bộ kết nối; tỉnh đang có kế hoạch nạo vét, chỉnh trị sông Bôi, sông Bùi, sông Bưởi để phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh và phát triển du lịch trong vùng; đầu tư hệ thống cảng, bến thủy trên sông Đà, phát triển vận tải thủy, du lịch hồ Hòa Bình giảm tải áp lực cho vận tải đường bộ.