Những năm gần đây, với định hướng đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ (TMDV) theo hướng hiện đại, đa dạng, ngành TMDV nói chung, dịch vụ vận tải nói riêng trên địa bàn huyện Lý Nhân đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Huyện Lý Nhân phát triển nhanh về số lượng đầu xe vận tải hàng hóa.
Phát huy tối đa những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, hệ thống làng có nghề, làng nghề truyền thống phát triển, những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lý Nhân đã tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải. Điển hình là các xã có Quốc lộ 38B đi qua như: Hòa Hậu, Xuân Khê, Nhân Bình, Nhân Khang, thị trấn Vĩnh Trụ…
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Thao, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết: Hòa Hậu có nghề dệt truyền thống phát triển. Trên địa bàn lại có Cụm công nghiệp Hòa Hậu, mạng lưới giao thông của xã khá thuận lợi để kết nối với thành phố Phủ Lý và các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên…
Với những mặt thuận lợi đó, Hòa Hậu đặt mục tiêu tăng dần tỷ trọng lĩnh vực TMDV qua từng năm để giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân. Nổi bật trong vài năm gần đây là dịch vụ vận tải của xã phát triển mạnh với sự gia tăng nhanh về số lượng đầu xe chở khách, xe vận tải hàng hóa. Hoạt động dịch vụ vận tải phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, giảm đáng kể tình trạng ly hương tìm việc.
Được biết, trên địa bàn xã Hòa Hậu hiện có trên 70 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực và gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Điều này đã thúc đẩy dịch vụ vận tải phát triển nhanh chóng. Hiện, toàn xã có gần 100 ô tô vận tải hàng hóa và chở khách các loại. Giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm trên địa bàn phát triển thêm gần 20 đầu xe. Dịch vụ vận tải phát triển đã góp phần đưa tốc độ phát triển TMDV toàn xã giai đoạn này lên trên 19%/năm.
Để tạo điều kiện cho dịch vụ vận tải phát triển, xã đã thường xuyên sửa chữa, xây dựng mới các tuyến đường giao thông, nhất là các tuyến từ chợ Bến đi xã Tiến Thắng và các thôn trong xã. Mục tiêu từ năm 2020, cùng với các loại hình dịch vụ khác, xã Hòa Hậu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu về vốn vay ưu đãi đầu tư mua phương tiện, phát triển dịch vụ vận tải, nâng giá trị TMDV trên địa bàn xã tăng từ 20%/năm trở lên.
Tại Bến xe khách Vĩnh Trụ, mặc dù thời gian gần đây phải cạnh tranh với các loại hình dịch vụ vận tải hành khách khác như taxi, Limousine… song bến xe vẫn duy trì hoạt động ổn định với mức doanh thu đạt khoảng 90 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Bến xe khách Vĩnh Trụ cho biết: Bến xe hiện có trên 80 đầu xe chở khách, loại 29 đến 45 chỗ ngồi (tăng 10 xe so với năm 2017). Bến xe phục vụ nhu cầu của hành khách đi tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, khoảng 80% số tuyến là đi Hà Nội. Để duy trì hoạt động với mức doanh thu ổn định trong sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách hiện đại như ngày nay, thời gian qua, Ban Giám đốc bến xe đã rất chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, phương tiện xe. Đối với các tuyến chạy đường xa, 100% là xe giường nằm, còn các tuyến đi Hà Nội, phần lớn là xe được đầu tư mới, loại 29 chỗ ngồi.
Theo thống kê từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lý Nhân, toàn huyện hiện có gần 800 xe tải vận chuyển hàng hóa; gần 200 xe các loại vận chuyển hành khách. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng đầu xe tăng bình quân trên 12%/năm, phần lớn là xe vận tải hàng hóa. Riêng 10 tháng năm 2019, số lượng vận chuyển hành khách trong huyện đạt 95.600 người/km, số lượng vận chuyển hàng hóa đạt trên 12.000 tấn/km (đạt trên 76% kế hoạch năm). Doanh thu dịch vụ vận tải toàn huyện năm 2019 ước đạt 355,3 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2018 và chiếm xấp xỉ 3% giá trị sản xuất của toàn huyện.
Mục tiêu năm 2020, Lý Nhân phấn đấu doanh thu từ dịch vụ vận tải đạt trên 378 tỷ đồng (tăng trên 6% so với năm 2019), góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của ngành TMDV của huyện lên 20%/năm. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện đang khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phương tiện vận tải chất lượng, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp vận tải, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương hàng hóa và đi lại của nhân dân. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để các địa phương sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông, chợ, tạo điều kiện để việc trao đổi, giao lưu hàng hóa diễn ra thuận lợi, từ đó thúc đẩy dịch vụ vận tải phát triển.