Thời gian gần đây, một số tuyến đường trong khu vực nội thành liên tục xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm. Có những nơi ùn tắc kéo dài hàng giờ, khiến người tham gia giao thông mệt mỏi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là trên các tuyến đường ô tô dừng đỗ quá nhiều, trong khi lượng xe đạp, xe máy gia tăng giờ tan tầm. Do đó, để giảm thiểu ùn tắc, cần quy định lại khu vực cấm dừng, đỗ và hoạt động của xe ô tô…
Đường Cầu Đất đoạn từ ngã tư Thành Đội đến ngã tư rạp Công Nhân ùn tắc vào giờ cao điểm.
Những tuyến đường “nghẹt thở” giờ tan tầm
Đường Trần Nguyên Hãn là tuyến đường lớn của thành phố vào giờ tan tầm từ ngã tư đập Tam Kỳ đến chân cầu Niệm luôn trong tình trạng “nghẹt thở”, nhất là đoạn từ ngã tư đập Tam Kỳ đến ngã tư An Dương và đoạn qua ngã tư Hoàng Minh Thảo-Nguyễn Công Hòa quận Lê Chân. Lượng xe quá lớn, lại chen chúc nhau từng mét mặt đường. Cho dù có lực lượng điều phối, nhưng do đường Trần Nguyên Hãn là trục chính nối với quận Kiến An ra các huyện Tiên Lãng, An Lão, lượng xe rất đông nên lực lượng điều phối giao thông rất vất vả. Tình trang ùn tắc thường kéo dài từ 17 giờ đến 18 giờ 30 mới giảm dần.
Đường Tô Hiệu cũng không tránh khỏi tình trạng ùn tắc cục bộ tại ngã tư Cột Đèn và ngã ba Hàng Kênh (quận Lê Chân). Giờ tan tầm, các phương tiện đổ về đây quá đông, ô tô, xe máy chen chúc nhau từng khoảng trống nhỏ trên mặt đường, thỉnh thoảng có xe ô tô sang đường hoặc quay đầu, tình hình ùn tắc càng thêm nghiêm trọng…
Đường Cầu Đất là đường một chiều, rộng là thế, nhưng tình cảnh cũng không khá hơn. Sau 17 giờ, đường ùn tắc kéo dài từ ngã tư Thành Đội đến ngã tư rạp Công nhân. Các xe nối đuôi nhau còi inh ỏi, khói bụi mù mịt khiến người đi phía sau vừa khó chịu vừa mệt mỏi. Đường Đà Nẵng cũng là đường to, rộng, nhưng thường xuyên xảy ra ùn tắc đoạn từ ngã 6 Máy Tơ đến ngã 6 Lạc Viên vào giờ cao điểm, do lượng phương tiện lưu thông 2 chiều lớn nhưng nhiều ô tô, xe máy quay đầu vô tội vạ dẫn đến ùn tắc cả đoạn đường. Đường Lạch Tray đoạn ngã tư Quán Mau và chân cầu vượt Lạch Tray (quận Lê Chân) cũng không tránh khỏi ùn tắc vì lượng xe qua lại rất đông.
Đường lớn tắc, một số tuyến đường nhỏ lại càng tắc hơn, trong đó đường Hai Bà Trưng đoạn từ ngã tư Mê Linh đến ngã tư Cát Cụt (quận Lê Chân) luôn là điểm nóng. Ở đoạn tuyến này, tình trạng xe ô tô dừng, đỗ bừa bãi, các xe đi sau buộc phải đánh lái lần làn để đi qua, trong khi chiều ngược lại xe ô tô lưu thông cũng không ít, do đó, cứ vào giờ tan tầm chiều, đoạn đường này ùn tắc “không thở nổi”. Đường Trung Lực, đoạn từ cổng Trường tiểu học Đằng Lâm đến ngã ba giao với đường Ngô Gia Tự (quận Hải An) ngày nào cũng tắc do lượng xe ô tô lưu thông 2 chiều, có xe rác hoạt động và rất nhiều bậc phụ huynh chờ đón con. Ngoài ra, các tuyến đường Lê Chân, Mê Linh, Cát Cụt, Hàng Kênh (quận Lê Chân)…cũng thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm chiều.
Xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp đồng bộ
Theo Ban An toàn giao thông thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành thời gian gần đây là do nhiều phương tiện tham gia giao thông chưa hợp lý. Một số tuyến đường mới hoàn thành đưa vào sử dụng như đoạn từ nút giao với đường Hồ Sen - cầu Rào 2 qua cầu Niệm 2 rộng, thoáng, đẹp, nhưng rất ít người đi, chủ yếu dồn vào đường Trần Nguyên Hãn nên dẫn đến ùn tắc. Tại các đường Trần Nguyên Hãn, Tô Hiệu, Lạch Tray, Đà Nẵng, tình trạng xe ô tô quay đầu giữa lúc đường đông thường xuyên xảy ra dẫn đến các xe phải dừng lại để nhường đường, khiến ùn tắc kéo dài. Một số tuyến đường nhỏ, không có biển cấm dừng, đỗ nên các xe đỗ tràn lan. Ngoài ra, trong khung giờ cao điểm, xe chở rác, ép rác cũng hoạt động, chiếm khá nhiều diện tích trên mặt đường. Cộng thêm thời gian gần đây, việc thi công thảm bê tông nhựa một số tuyến đường nội thành “làm không gọn, dọn không sạch”, đất, nhựa, bê tông đào lên làm rãnh thoát nước còn để bừa bãi trên mặt đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành, cần thiết tổ chức lại giao thông. Đối với những tuyến đường có nhiều phương tiện tham gia giao thông, phải khẩn trương cắm biển báo cấm quay đầu, không cho xe ô tô quay đầu tùy tiện giữa đường, chỉ cho phép quay đầu tại những nơi có biển báo hoặc đường giao nhau. Các tuyến đường sau khi thảm xong bê tông nhựa, cần nhanh chóng kẻ vạch phân làn, chia chiều đường ngăn chặn tình trạng xe lấn làn, vừa gây nguy hiểm, vừa gây ùn tắc giao thông. Đối với những tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, căn cứ vào thực tế để tổ chức giao thông hợp lý. Như đường Cầu Đất đoạn từ ngã tư Thành Đội đến ngã tư rạp Công nhân, cần bổ sung biển cấm dừng xe sau đoạn giao nhau với đường sắt và kẻ vạch phân làn đường, cho phương tiện đi đúng làn, đồng thời mở hướng rẽ phải khi đèn đỏ vào đường Lương Khánh Thiện. Đường Trung Lực đoạn từ ngã ba giao với đường Ngô Gia Tự đến Trường tiểu học Đằng Lâm chỉ nên cho ô tô lưu thông 1 chiều theo hướng từ Trường tiểu học Đằng Lâm đến ngã ba giao với đường Ngô Gia Tự, cấm chiều ngược lại theo giờ. Một số tuyến đường nhỏ thuộc địa bàn quận Lê Chân có biển cấm đỗ, nên thay bằng biển cấm dừng, vì hiện nay đang xảy ra tình trạng xe dừng nháy xi nhan, nhưng thực chất là đỗ xe, gây ùn tắc giao thông…
Cùng với công tác tổ chức giao thông, việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là vào khung giờ cao điểm chiều. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng để xử lý xe dừng, đỗ trái quy định, chấm dứt lấn chiếm lòng đường, vỉa hè họp chợ, bán hàng rong, tu sửa đường bảo đảm thông thoáng, an toàn…có như vậy mới hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông đang nóng trong khu vực nội thành hiện nay…