Nam Định có hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa đa dạng với 241km sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ do Trung ương quản lý và 14 sông địa phương có tổng chiều dài 279km do Sở Giao thông vận tải quản lý và khai thác. Hệ thống đường sông khá phong phú này đã tạo cho tỉnh lợi thế về giao thông đường thủy nội địa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mở rộng hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Vận chuyển hành khách và phương tiện ngang sông tại bến phà Phú Lễ, xã Hải Châu (Hải Hậu).
Thực hiện “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt, hệ thống cảng biển, cảng sông trên địa bàn tỉnh đã được xác định như: Cảng biển Hải Thịnh, cảng sông Nam Định (Thành phố Nam Định), cảng sông Yên Quang, cảng sông Hải Long (Ý Yên)… đã và đang được vận hành, khai thác. Ngoài ra, mạng lưới các sông nội đồng như: sông Sắt, sông Mỹ Đô (Ý Yên); sông Chanh (Vụ Bản, Ý Yên); sông Châu Thành (Nam Trực); sông Rõng (Nam Trực, Trực Ninh); sông Quýt, sông Vô Tình (Trực Ninh); các sông Múc, sông Sò, sông Ninh Mỹ (Hải Hậu), sông Cồn Giữa, sông Cồn Năm, sông Cồn Nhất, sông Mả (Giao Thủy) tham gia vào mạng lưới vận tải đường thủy, phục vụ vận chuyển nội bộ trong tỉnh cũng như trung chuyển hàng hóa từ các cảng lớn trong khu vực. Do đó, những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa để kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, đặc biệt là các phương tiện trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của tỉnh và các vùng lân cận, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có 126 bến thủy nội địa đã được cấp phép hoạt động; trong đó năm 2019 Sở Giao thông vận tải cấp mới 1 bến (Việt Hùng 3 của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Tiến, huyện Trực Ninh), 49 bến có giấy phép hoạt động đã hết hạn do không đáp ứng được yêu cầu về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ bến; 92 bến khách ngang sông đã được kiểm tra, cấp lại giấy phép hoạt động, bảo đảm theo quy định. Sở Giao thông vận tải đã cử lực lượng thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra Đường thủy nội địa số 4 kiểm tra các bến thủy nội địa trên địa bàn, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa. Công tác đăng ký, quản lý phương tiện thủy nội địa thường xuyên được Sở Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo thực hiện như: Chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện thủy nội địa có trọng tải toàn phần dưới 200 tấn, công suất máy dưới 135CV, chở người dưới 50 khách, tàu công trình chiều dài thiết kế dưới 10m.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở đào tạo được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép đào tạo chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng đến hạng nhất là Trường Trung cấp Đại Lâm và Trường Cao đẳng nghề số 20 (Bộ Quốc phòng). Sở Giao thông vận tải xác định giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn phương tiện thủy nội địa là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý, phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn. Tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về công tác đào tạo, thi cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn đến các cơ sở đào tạo. Đôn đốc các cơ sở đào tạo trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ trên địa bàn đúng với các quy định hiện hành. Kiểm tra các cơ sở đào tạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, thực hiện công tác đào tạo nghiêm theo chương trình đào tạo quy định. Công tác thi, kiểm tra cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn được quan tâm, thực hiện nghiêm túc theo các quy định hiện hành, đảm bảo học viên được cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn tham gia giao thông có đủ kỹ năng và kiến thức về pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa. Từ ngày 1/8/2019, Sở Giao thông vận tải đã hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện công tác quản lý đào tạo trên phần mềm hệ thống quản trị thuyền viên do Cục Đường thủy nội địa chuyển giao; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục chuyển đổi từ bằng sang giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định. Năm 2019 đã đào tạo cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng 1.530 chiếc, máy trưởng 943 chiếc.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về cảng, bến thủy nội địa góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở Giao thông vận tải chủ động rà soát, nghiên cứu, góp ý với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện Luật Giao thông đường thủy nội địa theo Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ. Rà soát, xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Bổ sung mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đường thủy nội địa quốc gia và địa phương; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa. Chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa số 4, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các đơn vị có liên quan đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng, bến sông an toàn”, mô hình “Cụm, khu dân cư an toàn giao thông đường thủy nội địa”; hướng dẫn chủ bến hoàn thiện hồ sơ theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các bến thủy nội địa bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết giải tỏa, không quy hoạch các bến thủy nội địa vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, sử dụng đất không đúng mục đích./.