Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 373 km. Được đầu tư xây dựng cách đây khá lâu, nhiều tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp. Do thiếu kinh phí nên việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường không kịp thời, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tỉnh lộ 665 đoạn qua xã Ia Băng (huyện Chư Prông) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: L.H
Phần lớn tỉnh lộ đã xuống cấp
Tỉnh lộ 665 có tổng chiều dài gần 58 km nối từ quốc lộ 14 đi các xã biên giới của huyện Chư Prông. Tuyến đường này được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2003 nên nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2012, tỉnh đã đưa chủ trương nâng cấp tuyến tỉnh lộ 665 vào hợp phần Dự án Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam với kinh phí dự kiến khoảng 22 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Năm 2016, công tác khảo sát nâng cấp tỉnh lộ 665 đã được thực hiện. Tuy nhiên đến nay, việc nâng cấp tuyến đường vẫn “án binh bất động”. Hiện tuyến đường ngày càng xuống cấp trầm trọng do lưu lượng phương tiện qua lại ngày một lớn. Vào mùa mưa, nhiều đoạn đường bị cày nát, tạo thành những hố sâu sình lầy trơn trượt. Hàng năm, địa phương bố trí một phần vốn để san gạt bề mặt đường nhưng chỉ mang tính chất tình thế.
Tương tự, tỉnh lộ 662B nối từ Phú Thiện qua Ia Pa từ nhiều năm nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến ngày một gia tăng, đặc biệt là vào vụ thu hoạch nông sản. Tại nhiều đoạn, nền và mặt đường đã hư hỏng, xuất hiện “ổ gà” chằng chịt, nhất là đoạn qua xã Ia Yeng, Chư A Thai (huyện Phú Thiện). Em Khay Thùy Linh (lớp 8B, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc, xã Chư A Thai) phản ánh: “Nhà em cách trường hơn 2 km. Em và bạn bè đều tự đi xe đạp đến trường. Mùa mưa, mỗi lần đi học, em rất sợ vì đường trơn trượt. Nhiều bạn bị ngã lấm lem hết quần áo. Mùa khô thì đường bụi bặm. Chưa kể mùa thu hoạch, xe tải chở mía, chở mì choán hết lối đi”. Từ năm 2016, tỉnh đã có chủ trương nâng cấp tỉnh lộ 662B. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay việc nâng cấp tuyến đường vẫn chưa được thực hiện.
Là tuyến giao thông huyết mạch kết nối huyện Ia Grai và các địa bàn lân cận với trung tâm tỉnh, tuy nhiên, tỉnh lộ 664 cũng đã có nhiều đoạn xuống cấp. Ngoài ra, quy mô đường cũng không còn đáp ứng nhu cầu giao thông ngày một tăng cao như hiện nay. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến tỉnh lộ này do hiện trạng đường xấu, nhỏ hẹp. Các tuyến tỉnh lộ: 661, 666, 667, 668, 669, 670… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Hầu hết các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng cách đây quá lâu, nhiều đoạn xuống cấp. Trong đó, có những tuyến đã quá thời hạn sửa chữa định kỳ nhưng do nguồn vốn khó khăn, công tác đầu tư nâng cấp chưa thể được triển khai. “Các tuyến đường này rất dễ mất tính bền vững khi gặp thời tiết bất lợi, nhất là trong điều kiện mùa mưa kéo dài, bão lũ…”-ông Hạnh nhấn mạnh. Hàng năm, Sở GTVT đã cân đối các nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần.
Nguồn vốn tu sửa chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu
Năm 2019, nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên dành cho 10 tuyến tỉnh lộ là 13,7 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có kinh phí bảo trì đường bộ được trích một phần từ nguồn thu Quỹ bảo trì đường bộ địa phương theo quy định. Tuy nhiên, nguồn vốn này thường được chuyển về rất chậm. “Thực tế, nguồn vốn tu sửa thường xuyên mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu”-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT chia sẻ. Chưa kể, toàn tỉnh còn 57,5 km đường được nâng cấp từ tỉnh lộ lên quốc lộ, trong đó có 44,5 km nâng cấp thành quốc lộ 19D và 13 km nâng cấp thuộc đường Trường Sơn Đông đã khá lâu nhưng đến nay Bộ Tài chính mới có kế hoạch bố trí vốn.
Tỉnh lộ 662B (nối từ trung tâm huyện Ia Pa đến ngã ba Plei Tăng, huyện Phú Thiện)
có nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hà Phương
Liên quan đến việc sửa chữa các tuyến tỉnh lộ xuống cấp, ông Trần Công Đại Phúc-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai-cho biết: “Đơn vị thường xuyên theo dõi, ghi nhận sớm các điểm hư hỏng, tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi để tiến hành sửa chữa, duy tu, tránh nguy cơ loang rộng làm ảnh hưởng đến việc lưu thông trên tuyến. Khó khăn trong công tác sửa chữa là mùa mưa Tây Nguyên thường kéo dài nhiều tháng. Việc sửa chữa đường chỉ nên tiến hành khi các điểm hư hỏng khô ráo hoàn toàn mới đảm bảo xử lý triệt để”.
Để đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại cũng như hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân xuất phát từ lỗi hạ tầng không đảm bảo, Sở GTVT đã thực hiện mô hình khoán quản lý đường bộ theo chất lượng. Tức là “khoán thầu” dựa theo chất lượng công trình. Nếu đường thi công sửa chữa thường xuyên đảm bảo chất lượng theo hợp đồng sẽ được thanh toán đủ phần kinh phí sửa chữa và ngược lại. Đây là cách gián tiếp buộc các đơn vị quản lý đường bộ phải nâng cao chất lượng công tác tu sửa thường xuyên, gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn sửa chữa. Mô hình này đã được Bộ GTVT đánh giá cao. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giải tỏa trong chừng mực nào đó nhu cầu thực tế. Do vậy, để đáp ứng tốt nhu cầu, nhất thiết phải có sự bố trí nguồn vốn hợp lý hơn.
Hiện nay, mùa mưa Tây Nguyên đã kết thúc. Tận dụng thời tiết thuận lợi, các đơn vị đang đẩy mạnh sửa chữa các tuyến tỉnh lộ. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác tu sửa thường xuyên một số tuyến đã hoàn tất (661, 664, 667), một số tuyến đang triển khai (666, 668, 669) và tỉnh lộ 670 mới bắt đầu triển khai tu sửa. “Chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn vốn bố trí được để tu sửa thường xuyên, khắc phục sớm các điểm hư hỏng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại, giao thương của người dân; đồng thời để các tuyến đường phát huy tốt vai trò là mạch nối giao thông, tạo động lực tăng trưởng cho các vùng, địa phương đi qua”-ông Hạnh khẳng định.