Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cao Bằng đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Trong năm 2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa đã và đang hoàn thành, tạo điều kiện cho phát triển KT - XH địa phương, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày một đổi mới.
Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường phía Nam khu đô thị mới Thành phố
Các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Tỉnh nhìn chung đều triển khai theo kế hoạch nguồn vốn giao. Đến nay, có nhiều dự án được đầu tư xây dựng và hoàn thành, như: Đường tỉnh 212, 216; Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc tại thành phố Cao Bằng, giai đoạn I...
Các dự án đường tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2020, gồm: Dự án đường phía Nam khu đô thị mới Thành phố là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa KT - XH quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị Thành phố. Đường phía Nam khu đô thị mới Thành phố được đầu tư xây dựng mới kết nối giữa Thị xã (cũ) với trung tâm hành chính mới tại Khu đô thị Đề Thám, làm động lực phát triển khu đô thị mới trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nói riêng và khu trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Bắc nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông đối nội và đối ngoại, phục vụ phát triển KT - XH của địa phương.
Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị loại II miền núi, tổng chiều dài gần 6 km, điểm đầu từ Km0+00 tại đầu cầu Sông Hiến (Thành phố) đến điểm cuối Km5+896 nút giao với Quốc lộ 3, Quốc lộ 34 đi huyện Nguyên Bình tại địa phận xã Hưng Đạo (Thành phố); bề rộng nền đường 58m với 6 làn đường chính và 2 làn đường gom hai bên; hệ thống vỉa hè, cây xanh, cống thoát nước, đèn chiếu sáng giao thông đồng bộ.
Đường phía Nam khu đô thị mới là trục không gian quan trọng đóng vai trò kết nối 3 trung tâm đô thị hiện hữu tại phường Hợp Giang, đô thị mới có trung tâm hành chính của tỉnh tại phường Đề Thám và “cố đô” Cao Bình, xã Hưng Đạo. Công trình có tổng mức đầu tư đã điều chỉnh 718,7 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2011 - 2014, đã gia hạn đến hết tháng 12/2019. Đến nay, công trình hoàn thành trên 95% khối lượng, hiện đơn vị thi công đang khẩn trương thi công đoạn đầu cầu Sông Hiến, phấn đấu hoàn thành mặt đường trước Tết Nguyên đán Canh Tý và hoàn thành công trình trong năm 2020.
Dự án đường tỉnh 208 từ thị trấn Đông Khê (Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (Hạ Lang) - xã Chí Viễn (Trùng Khánh) được UBND tỉnh phê duyệt ngày 27/7/2017 với tổng chiều dài tuyến 86,03 km, tổng mức đầu tư hơn 1.470 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 1 với chiều dài 47,67 km, tổng kinh phí 790 tỷ đồng; giai đoạn 2 với chiều dài 38,36km, tổng kinh phí 680 tỷ 613 triệu đồng.
Giai đoạn 1 khởi công từ ngày 29/6/2018, thời gian thi công hoàn thành gói thầu xây lắp theo hợp đồng đã ký đến hết tháng 5/2020. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản bàn giao đầy đủ cho đơn vị thi công, khối lượng nền đường thi công đạt 93%, hệ thống cầu cống trên tuyến đạt 59%, móng cấp phối đá dăm hoàn thành 20/47,67 km, rải thảm bê tông nhựa 20 km; đã giải ngân 464,751 tỷ đồng. Nhà thầu đang huy động tối đa thiết bị, máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến thi công công trình, phấn đầu hoàn thành dự án giai đoạn 1 vào đầu năm 2020.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 207 từ huyện Quảng Uyên đến huyện Hạ Lang được UBND tỉnh phê duyệt ngày 2/7/2010 với chiều dài tuyến 31km, tổng mức đầu tư 485,894 tỷ đồng. Năm 2016, dự án được điều chỉnh với chiều dài tuyến lên 32 km, tổng mức đầu tư trên 604 tỷ đồng. Dự án khởi công từ năm 2011, đến hết năm 2018 đã hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng đoạn từ Km0+00 - Km15+120 m (từ Quảng Uyên đến chân đèo Khau Mòn). Đoạn Km15+120 - Km 22+200 m (đoạn đường tránh đèo Khau Mòn) đã thi công cơ bản hoàn thành phần nền, hệ thống thoát nước và lớp móng cấp phối.
Tuy nhiên, do đây là tuyến mở mới, qua địa hình phức tạp nên mùa mưa thường xảy ra sạt lở đất, đá với khối lượng lớn làm phát sinh thêm chi phí. Hiện nay, phần khối lượng đất, đá sạt lở chưa được dọn do chưa bố trí được nguồn vốn. Đoạn từ Km22+200 m - Km32+345 m (từ đầu cầu Khuổi Mịt, xã An Lạc đến thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang) với tổng chiều dài 11,2 km, tổng mức đầu tư 188,251 tỷ đồng. Các nhà thầu đang tập trung thi công công trình, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Tý.
Tỉnh đang triển khai các dự án: Đầu tư tuyến đường từ di tích danh thắng động Hang Dơi, xã Đồng Loan (Hạ Lang) đến Khu du lịch thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 211 (Trùng Khánh - Trà Lĩnh) thuộc Dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc” theo kế hoạch sẽ thi công hoàn thành trong năm 2020.
Đối với tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng. Các bộ, ngành đang tham mưu cho Chính phủ về nguồn vốn cho dự án.
Các tuyến đường nông thôn thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xi măng... đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 354,7km đường huyện, 1.870km đường xã, đường xóm, xây dựng mới 36 cầu treo dân sinh. Đến nay, toàn tỉnh có 145/199 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT, chiếm 73%. Còn 54 xã có đường ô tô đến trung tâm xã nhưng chưa được cứng hóa, chủ yếu là đường cấp phối, đường đất đều thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Có 1.706/2.450 xóm, bản có đường trục giao thông được cứng hóa, bê tông hóa không lầy lội vào mùa mưa, chiếm 70%.
Nhìn chung các tuyến đường tỉnh thực hiện đầu tư từ năm 2016 đến nay thiết kế theo quy mô chủ yếu là đường cấp IV, đường đô thị theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của nhân dân, bảo đảm các yếu tố yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng theo quy định hiện hành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những khó khăn trong thực hiện phát triển hạ tầng giao thông, như: Do nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp nên một số dự án chậm được triển khai theo kế hoạch; việc phát triển giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp ngày công, cát, đá, sỏi để làm đường bê tông ở một số huyện khó triển khai do tỷ lệ đóng góp cao trong khi nhiều xã đời sống nhân dân còn nghèo, mật độ dân cư thưa, huy động nguồn lực trong dân còn khó khăn...