Nghệ An có đường Hồ Chí Minh chạy qua có lợi thế về tài nguyên đất để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch. Tỉnh đã có chủ trương đầu tư phát triển kinh tế trên trục đường Hồ Chí Minh với 31 dự án quan trọng trên vùng đường Hồ Chí Minh này.
Vùng đất trù phú
Chạy dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, qua các huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, huyện Tân Kỳ, Anh Sơn và Thanh Chương, đến đâu cũng cảm nhận sự đổi mới của người dân trong cung cách làm ăn.
Đường Hồ Chí Minh mở hướng phát triển kinh tế cho Nghệ An
Đó là, nhà hàng, khách sạn, cùng với các loại dịch vụ hàng hóa khác phát triển mạnh mẽ; nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò, gà quy mô lớn; xanh mướt mát những đồi chè, hay những cánh rừng nguyên liệu phủ kín cả vùng đồi kéo dài. Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đang ngày càng sầm uất, các loại xe ô tô nối nhau vào Nam ra Bắc, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Đường Hồ Chí Minh là trục đường kết nối từ Bắc vào Nam, với các cửa khẩu sang nước bạn Lào: Thanh Thủy, Nậm Cắn, Thông Thụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa.
Đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn huyện Tân Kỳ 38,5km. Những năm qua, địa phương đã tập trung phát triển kinh tế dọc tuyến đường này, bằng cách phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó điểm nhấn là khu vực thị trấn Tân Kỳ và các trung tâm xã: Kỳ Sơn, Nghĩa Hành, Nghĩa Bình… tại các điểm nhấn này đều có hệ thống khách sạn, nhà hàng, ốt quán, dịch vụ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho con người.
Theo ông Nguyễn Văn Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, địa phương có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện đã có 3 HTX chăn nuôi bò đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng chục trại bò thịt giống ngoại, cùng đó là sản phẩm dê thịt được chứng nhận nhãn hiệu “dê Tân Kỳ”. Vì vậy, UBND tỉnh có quyết định xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện, với quy mô 15 ha tại xã Kỳ Tân, là lợi thế để huyện đẩy mạnh chăn nuôi, nhằm đáp ứng đầu ra cho sản phẩm. Không những Tân Kỳ, mà còn tạo điều kiện cho các huyện lân cận phát triển chăn nuôi.
Huyện Thanh Chương cũng đang khai thác lợi thế của tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua để phát triển kinh tế từ cây chè công nghiệp và du lịch sinh thái… Thanh Chương hiện có khoảng 4.000 ha chè, nhiều nhất ở các xã Hạnh Lâm, Thanh Mai, Thanh An, Thanh Thủy… Trong đó, điểm nhấn về cây chè của Thanh Chương là khu vực đảo chè Thanh An đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.
Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, địa phương có lợi thế phát triển chăn nuôi trâu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái. Do vậy, khi được UBND tỉnh có quyết định thực hiện một số dự án về vào lĩnh vực sản xuất rau chuyên canh an toàn, gắn với dịch vụ du lịch; dự án chăn nuôi trâu đặc sản; nuôi cá trên hồ chứa, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi gắn với dịch vụ du lịch… là lợi thế để địa phương phát triển kinh tế bền vững hơn.
Mỗi địa phương có đường Hồ Chí Minh chạy qua đều có lợi thế riêng về phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa có thế mạnh về trồng cây ăn quả, thì Tân Kỳ có lợi thế về chăn nuôi, trồng rừng; Thanh Chương trồng chề công nghiệp, du lịch sinh thái… Nhận biết được lợi thế đó, những năm qua các địa phương này đã khai thác tiềm năng phát triển kinh tế, tạo động lực để người dân ổn định cuộc sống.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, dọc đường Hồ Chí Minh có hơn 38 nghìn ha chuyên sản xuất lúa, trên 20 nghìn ha trồng ngô, hơn 16 nghìn ha trồng mía nguyên liệu, 6 nghìn ha sắn, trên 6 nghìn ha chè công nghiệp, hơn 9 nghìn ha cao su, khoảng 7 nghìn ha rau màu các loại và gần 2 nghìn ha cây ăn quả… đàn gia cầm đạt trên 6 triệu con… với hơn 7 nghìn ha mặt nước ao, hồ, đập. Các địa phương trên dọc đường Hồ Chí Minh đã khai thác tiềm năng, trồng được trên 6 nghìn ha rừng nguyên liệu tập trung là keo, tràm. Điều đó cho thấy, tiềm năng để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản… dọc đường Hồ Chí Minh là rất lớn, cần được quan tâm đầu tư, khai thác, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ và mang lại nguồn thu cho nhà nước.
Triển vọng từ những dự án
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản xuất nông nghiệp của vùng đường Hồ Chí Minh chưa thực sự bền vững, bị chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường. Thiếu sự liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa các địa phương trong vùng, giữa doanh nghiệp với người dân; mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn yếu... Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít so với tiềm năng, lợi thế của vùng, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, nên việc quản lý chất lượng sản phẩm, ứng dụng tiến bộ KHKT còn gặp khó khăn.
Với mục tiêu phát huy lợi thế tiềm năng của vùng để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa lớn theo hướng ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến tạo cực tăng trưởng cho sản xuất nông nghiệp chung của toàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các huyện vùng dọc đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn 2019 - 2025, Nhà nước sẽ đầu tư trên 11.000 tỷ đồng để thực hiện đề án. Theo đó, trên địa bàn 5 huyện, thị xã, sẽ được ưu tiên đầu tư thực hiện 31 dự án phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và phát triển du lịch sinh thái.
Các lĩnh vực phát triển kinh tế vùng đường Hồ Chí Minh được xác định theo các ngành, lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến nông lâm sản và định hướng phát triển các loại hình kinh tế khác. Ngoài ra, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo đề án của Quyết định số 3626/QĐ-UBND ngày 16/9/2019 của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp của vùng, giai đoạn 2019 - 2030 là hơn 26.492 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2019 - 2025 là hơn 11.136 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2030 là hơn 15.356 tỷ đồng.