Theo đó, các nhà thầu sẽ tổ chức rào chắn 1/2 mặt cầu Vĩnh Tuy tại vị trí thi công để thi công khe co giãn, sử dụng 1/2 mặt cầu còn lại để phân luồng hai chiều cho các phương tiện.
Sở GTVT Hà Nội vừa lên phương án phân luồng, tổ chức lại giao thông qua cầu Vĩnh Tuy để sửa chữa
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ tiến hành thay thế, sửa chữa 14 khe co giãn trên cầu Vĩnh Tuy, kết hợp sửa chữa mặt cầu phạm vi 3 nhịp từ N7, N8, N9 hướng từ Long Biên đi Minh Khai; sửa chữa lún mặt đường đầu cầu trong phạm vi 100m tính từ mố hướng về phía Minh Khai.
Bởi vậy, sẽ tiến hành rào chắn 1/2 mặt cầu Vĩnh Tuy tại vị trí thi công để thi công khe co giãn, sử dụng 1/2 mặt cầu còn lại để phân luồng đảm bảo ATGT cho các phương tiện; 1/2 mặt cầu còn lại được phân luồng 2 chiều xe chạy.
Sẽ bố trí hàng rào phân cách 2 chiều xe chạy, có dải phản quang, đèn nháy, bố trí 2 người hướng dẫn tại 2 đầu cầu của vị trí thi công; có người hướng dẫn phân luồng từ xa cho các phương tiện đảm bảo ATGT, tránh gây ùn tắc giao thông tại các vị trí thi công.
Bên cạnh đó, bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo và đèn tín hiệu trên đoạn thi công, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông. Phải lắp đặt biển báo chỉ dẫn, hướng dẫn phân luồng từ xa cho cacs phương tiện tại các lối lên, xuống ở các nút giao trên đường QL5, các lối lên cầu Vĩnh Tuy và cách phạm vi thi công ít nhất 500m, nhắc lại tại phạm vi 300m, 150m, 100m và tại vị trí thi công để đảm bảo ATGT.
Sở GTVT yêu cầu, toàn bộ công tác thi công chỉ được thực hiện vào ban đêm, từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Thời gian thực hiện từ ngày 25/2 đến ngày 25/4. Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, thuộc địa bàn quận Hoàng Mai và Long Biên, khởi công xây dựng ngày 3/2/2005, hoàn thành thông xe vào ngày 26/9/2010.
Cầu được thiết kế có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn xe hỗn hợp (giai đoạn I). Tổng chiều dài gần 5km. Phần cầu qua sông dài 3.690m. Phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990m, rộng 38m. Tổng mức đầu tư là 5.500 tỷ đồng.