Hà Giang: Phát triển hạ tầng giao thông thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Bắc Quang

Thứ sáu, 06/03/2020 08:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mỗi năm, huyện Bắc Quang (Hà Giang) sản xuất trên 56.000 tấn lượng thực; thu hoạch 57.000 tấn cam, quýt; trên 6.000 tấn lạc; xuất chuồng gần 10.000 tấn thịt hơi, trên 3.500 tấn cá. Bên cạnh đó, huyện còn thu hoạch, chế biến trên 21.000 tấn chè thành phẩm; sản xuất, chế biến trên 75.000 m3 gỗ từ rừng kinh tế... Sản phẩm làm ra thì lớn, nhưng đời sống người dân vẫn còn hạn chế vì giá trị sản phẩm chưa cao, cộng với hạ tầng giao thông còn nhiều bấp cập.

Cầu treo bắc qua Sông Lô vào xã Vô Điếm xuống cấp,
ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương của người dân

Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, Vũ Đình Tuyên cho biết: Xã có trên 450 ha chè đang cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi để chế biến ước đạt từ 12.000 – 15.000 tấn. Vô Điếm được đánh giá là thủ phủ nuôi cá nước ngọt, xã có gần 300 ha diện tích mặt nước hồ, đập, cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn/năm. Ngoài ra, xã còn là một vựa thóc, một sản lượng lớn gỗ từ rừng trồng cần được chế biến, vận chuyển ra ngoài tiêu thụ nhưng không có cầu cứng để vận tải qua sông Lô nên đành đứng nhìn. Một hàng hoá, khó tiêu thụ nữa là tôm, cá tươi sống. Người Vô Điếm cho rằng, cá, tôm nuôi nhiều cũng chỉ để ăn chơi… Chính điều đó đã, đang làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên sản xuất để làm giàu cho mình và xã hội.

Trao đổi trực tiếp với người dân trong xã Vô Điếm được biết, giá bán hàng nông, lâm sản tại địa phương chỉ thu được khoảng 1/3 giá trị thực. Giá trị còn lại là để bù vào cước phí vận chuyển vì thiếu hạ tầng giao thông. Hiện tượng tư thương ép giá nông dân ở Vô Điếm đã diễn ra nhiều năm chỉ vì chưa có cầu cứng bắc qua sông Lô và một con đường giao thông đảm bảo vận chuyển hàng nông, lâm sản ra thị trường bên ngoài. Còn người dân xã Đồng Tiến lại cho biết, họ sợ nhất là gia đình có người ốm đau cần cấp cứu tại bệnh viện huyện, tỉnh. Nhiều khi đưa bệnh nhân ra tới bệnh viện huyện thì chuyện đã xong.

Hàng nông, lâm sản làm ra ở Đồng Tiến vào mùa mưa hàng năm thì bán rẻ như cho, cũng vì con đường kết nối xã và các thôn, bản còn quá khó khăn. Hơn bao giờ hết, người dân Đồng Tiến rất cần sự quan tâm đầu tư của nhà nước để có con đường huyết mạch về tận các thôn, bản giúp dân thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa. Ở vùng chè hữu cơ xã Tân Lập, Tân Thành trên 350 ha, sản lượng mỗi năm hàng ngàn tấn cũng rất khó khăn về giao thông vận chuyển, chế biến hàng hoá. Khó khăn về giao thông cũng đồng nghĩa với khó khăn về thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào hợp tác thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Dù vẫn biết, xu thế tiêu dùng trên thế giới hiện nay có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm hữu cơ.

Về với vùng trọng điểm phát triển cam, quýt, ông Hoàng Quyết Thắng, Giám đốc HTX cam Sành VietGAP xã Vĩnh Hảo cho biết: HTX có 18 hộ thành viên tham gia sản xuất. Trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường trên 1.000 tấn, chủ yếu là cam Sành đặc sản nằm trong cây trồng “mũi nhọn” của Bắc Quang. Thế nhưng, để cung cấp đủ cho xe tải chở 1 Công ten nơ đỗ tại Quốc lộ 2, HTX phải thuê ít nhất 10 xe tải nhỏ vận chuyển sản phẩm từ vườn ra quốc lộ. Mỗi xe tải nhỏ chở 5 tấn hàng phải chi phí vận chuyển ít nhất từ 1,5 – 2 triệu đồng/xe (chưa tính cước bốc xếp).

Để xếp hàng đầy 1 Công ten nơ, HTX phải chi phí ít nhất khoảng 20 – 22 triệu đồng. Trong khi đó, thuê vận chuyển cả xe Công ten nơ chở đầy cam về Hà Nội chỉ mất từ 7 – 10 triệu đồng/lần. Chi phí trên chỉ bằng ½ chi phí cho việc vận chuyển, bốc xếp hàng nông sản làm ra ngay tại nơi sản xuất. Còn những lái xe vận chuyển cho rằng, thời gian chờ đợi bốc, xếp hàng hoá tại Bắc Quang đã làm mất của họ ít nhất là 1,5 chuyến/lượt để có 1 chuyến hàng được giao cho chủ vận tải vì phải chờ đợi, tức mất đi thu nhập của lái xe ít nhất là 8 – 10 triệu đồng/ngày, đêm vì chờ đợi. Riêng đối với các chủ hàng cho biết, chi phí vận chuyển, bốc, xếp hàng lên, xuống đã làm cho giá thành khấu vào hàng hoá chiếm từ 3 – 5 giá nhỏ/kg. Tức là, mỗi kg cam Sành mua tại vườn ở Bắc Quang là 10.000 đ/kg, buộc phải cõng thêm ít nhất từ 3 – 5 ngàn đồng/kg khi vận chuyển bằng xe Công ten nơ về đến Hà Nội.

Nhìn bài toán thực tiễn cho thấy rõ: Chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hoá và thời gian chờ đợi đã làm mất đi sự cạnh tranh về thời gian vận chuyển, về giá thành của hàng hoá và làm giảm đáng kể về chất lượng hàng hoá nông sản địa phương, gây khó khăn cho việc cạnh tranh trên thương trường... Khó khăn về giao thông cũng là khó khăn để Bắc Quang thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy, khu chế xuất hàng hoá nông, lâm sản thực phẩm cho nông dân. Điều đó, đang là những hạn chế, những rào cản để Bắc Quang gia tăng sản xuất, thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến và kìm hãm sự phát triển của ngành thương mại, dịch vụ khi đến huyện cửa ngõ tỉnh Hà Giang.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Hệ thống đường giao thông kết nối các vùng sản xuất trọng điểm của Bắc Quang hiện còn thiếu, còn yếu là một hạn chế. Thời gian tới, UBND huyện sẽ ưu tiên tập trung mọi nguồn vốn, kể cả các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án để xây dựng đường sá, cầu, cống kết nối các vùng, miền nhất là các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế vượt trội. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ sớm trình, xin ý kiến UBND tỉnh để có cơ chế ưu đãi đặc thù riêng nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng kết nối vùng, miền theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

kieuanh

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)