Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam, phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đi qua các địa bàn: Huyện Ý Yên (Nam Định), thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Yên Khánh và Yên Mô với tổng chiều dài trên 15km. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) do các địa phương thực hiện được tiến hành theo quy mô quy hoạch đường cao tốc 6 làn xe và nằm trong Dự án xây dựng tuyến đường kết nối giữa cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn
cần tập trung giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Ninh Bình (Chủ đầu tư dự án) đến nay, các địa phương đã bàn giao được 11,755/15,2 km, trong đó: Huyện Ý Yên (Nam Định) bàn giao được 3,755/5,1 km, đạt 74%; các đơn vị của tỉnh Ninh Bình (thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Yên Khánh và Yên Mô) đã bàn giao mặt bằng được 8/10,1km, đạt 79,2%.
Các vị trí còn vướng mắc trên đoạn tuyến thuộc địa bàn của tỉnh Ninh Bình là: Tại thành phố Ninh Bình còn 10 hộ của xã Khánh Hòa xâm canh sang đất nông nghiệp xã Ninh Phúc; hộ dân tái lấn chiếm phạm vi đã GPMB ở khu vực trại lợn; 6 hộ dân ở khu vực Trạm y tế Ninh Phúc và 6 hộ dân ở đường gom Ninh Tốn chưa bàn giao mặt bằng do chưa nhận đất tái định cư và chưa di chuyển hết tài sản. Trạm bơm Yên Khoái hiện mới đang hoàn thiện báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng hoàn trả mặt bằng. Cầu vượt ngang nằm ở Khu công nghiệp Khánh Phú hiện còn vướng 185 m tường rào, cây xanh, đường nước, đường điện sinh hoạt của Công ty Phúc Lộc; 146 m tường rào của Công ty Đạm Ninh Bình; ngoài ra còn vướng cống thoát nước thải, trạm bơm của Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp; đường cấp nước của doanh nghiệp Thành Nam.
Huyện Yên Khánh còn vướng 16 hộ có đất nông nghiệp trên đường gom từ đường trục xã Khánh Hòa đến đường Ninh Tốn; 5 hộ gia đình chưa kiểm đếm được do đi làm ăn xa; còn 107 hộ chưa chi trả tiền đền bù, hỗ trợ GPMB; vị trí mố A1 cầu vượt Quốc lộ 10 và trụ T3 cầu vượt Khánh Hòa phải dừng thi công do chưa có mặt bằng; khu tái định cư chưa được xây dựng, khó khăn cho việc di dời các hộ dân.
Huyện Hoa Lư chỉ còn vướng 1 hộ gia đình với đề nghị thu hồi hết phần diện tích còn lại nằm ngoài phạm vi GPMB và bồi thường bằng đất ở tại khu tái định cư.
Huyện Yên Mô vướng ở vị trí trụ T12 cầu Mai Sơn với xưởng cơ khí Thắng Ninh do chưa thống nhất được phương án đền bù; vị trí từ mố M22 đến nút giao Mai Sơn do phải bố trí khu tái định cư nên chưa di dời được hộ dân; phần đất nông nghiệp ở nhánh lên nút giao Mai Sơn chưa bàn giao mặt bằng; nhánh xuống còn vướng 4 hộ dân; ngoài ra còn đường gom dân sinh qua xóm 6 cũng chưa được bàn giao mặt bằng.
Chủ đầu tư và nhà thầu cũng đề nghị với các địa phương: Với thành phố Ninh Bình khẩn trương hoàn thiện phương án đền bù, chi trả cho các đơn vị và trong tháng 4 bàn giao mặt bằng khu vực cầu vượt ngang Khánh Phú đang bị dừng thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án; trong tháng 3 bàn giao mặt bằng khu trại lợn, 6 hộ tại khu trạm bơm Yên Khoái, 10 hộ xâm canh, 6 hộ ở Khu vực Trạm y tế Ninh Phúc và hoàn thiện thủ tục xây dựng hoàn trả trạm bơm Yên Khoái, bàn giao mặt bằng trước tháng 6/2020.
Huyện Yên Khánh sớm tổ chức chi trả và bàn giao mặt bằng của 16 hộ có đất nông nghiệp trên đường gom xã Khánh Hòa đến đường Ninh Tốn xong trước ngày 20/3; kiểm đếm nhà cửa, vật kiến trúc đối với 5 hộ đi làm ăn xa trước ngày 15/3 và thực hiện các bước tiếp theo; chi trả bồi thường, hỗ trợ cho hơn 100 hộ đã có phương án; ưu tiên đẩy nhanh tiến độ GPMB với vị trí trụ T3 cầu vượt Khánh Hòa xong trước ngày 20/3; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư.
Huyện Yên Mô khẩn trương hoàn thiện phương án chi trả, di dời xưởng cơ khí Thắng Ninh và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 4 để sớm thi công trụ T12 là trụ rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án; các vị trí nhánh xuống và lên nút giao Mai Sơn bàn giao mặt bằng trước ngày 20/3; với các hộ dân thuộc phạm vi mố M22 cầu Mai Sơn phải tái định cư, tiếp tục tuyên truyền, vận động, đồng thời có biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn để bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2020.
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành phối hợp, giúp đỡ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các huyện, thành phố cần phải quyết liệt và khẩn trương hơn nữa; tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, nhưng cũng phải tiến hành xây dựng phương án cưỡng chế khi cần bởi đến nay nguồn đã bố trí đủ và chỉ được giải ngân trong năm 2020 nên không thể kéo dài hơn.