Cao Bằng: Hạ tầng giao thông từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH

Thứ tư, 25/03/2020 08:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân đã đạt một số kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ, phù hợp, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đường phía Nam Khu đô thị mới Thành phố đang được khẩn trương thi công

Chương trình phát triển hạ tầng giao thông, giai đoạn 2016 - 2020 được Tỉnh ủy xác định là một trong 6 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời, đây là nhiệm kỳ thứ hai tỉnh tiếp tục xác định phát triển hạ tầng giao thông là chương trình trọng tâm của tỉnh nên tạo sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của mọi người trong phong trào phát triển giao thông nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án trọng điểm, như: Đường phía Nam khu đô thị mới; Cầu đường bộ II Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc); Đường tỉnh 207 (Quảng Uyên - Hạ Lang); Đường tỉnh 216 và 2 cầu Bình Long, Đồng Mây; Đường tỉnh 208 từ thị trấn Đông Khê (Thạch An) - Cách Linh, Triệu Ẩu (Phục Hòa) - An Lạc - thị trấn Thanh Nhật - Đức Quang (Hạ Lang) - Chí Viễn (Trùng Khánh); Đường tỉnh 213 (thị trấn Trùng Khánh - Cửa khẩu Pò Peo);

Đường tỉnh 211 (Trùng Khánh - Trà Lĩnh); Đường giao thông liên xã Chí Thảo - Tự Do - Ngọc Động - Hoàng Hải - Hạnh Phúc (Quảng Uyên); Dự án LRAMP (hợp phần khôi phục, cải tạo đường); Dự án Cải tạo một số tuyến đường trong khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Phục Hòa); Dự án Cải tạo, nâng cấp đường vào mốc 854, xã Lý Quốc (Hạ Lang).

Đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng đường tỉnh 202 (Ca Thành - Lũng Pán - Bản Riển); đường tỉnh 204 Lương Can (Thông Nông) - Bình Long và thị trấn Nước Hai (Hòa An); 2 tuyến đường thuộc Dự án LRAMP; các tuyến đường thuộc dự án đầu tư xây dựng miền núi phía Bắc. Một số dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành sau năm 2020...

Bộ đội Biên phòng tỉnh đầu tư 230 tỷ đồng triển khai Dự án đường giao thông Đồn Biên phòng Cần Yên - xã Cần Nông (mốc 614); đường vào Đồn Biên phòng Tổng Cọt... với tổng chiều dài khoảng 35 km. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện đầu tư 30,3 tỷ đồng xây dựng 23km đường giao thông phục vụ các đợt diễn tập khu vực phòng thủ.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh huy động 5.567,8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 304.340 ngày công lao động mở mới 86 km, cải tạo, nâng cấp 392 km đường huyện; mở mới 654 km, cải tạo, nâng cấp 486 km đường xã; mở mới 247 km, cải tạo, nâng cấp 219 km đường ngõ xóm. Tỉnh bố trí 24,661 tỷ đồng, huy động được 4.000 tấn xi măng do Tổng Công ty Xi măng Việt Nam hỗ trợ; các huyện vận động nhân dân tự khai thác hoặc đóng góp cát, đá, sỏi, công lao động thi công 471 km đường bê tông xi măng tuyến xã, xóm.

Đến nay, có 773,4 km đường tỉnh được cứng hóa, đạt 75%; 1.134,9/1.488,7 km đường huyện được cứng hóa, đạt 76%; 2.422,5/3.273,7 km đường trục xã, xóm được cứng hóa, đạt 74%; 450,1/818,4 km đường nội đồng được cứng hóa, đạt 55%. Có 181/199 xã có đường đến trung tâm được nhựa hóa/bê tông hóa, đạt 91%; còn khoảng 265km đường đến trung tâm 18 xã của các huyện: Bảo Lâm (10 xã/201 km), Trùng Khánh (3 xã/21 km), Hòa An (2 xã/9,5 km); Hạ Lang, Quảng Uyên, Nguyên Bình, mỗi huyện còn 1 xã với 36,5km chưa được cứng hóa.

Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, có thể sớm triển khai thực hiện từ năm 2020. Cùng với đó, phương án kết nối giao thông các điểm, khu du lịch, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh góp phần tháo gỡ nút thắt về giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế du lịch và biên mậu. Hạ tầng giao thông phát triển góp phần quan trọng giúp tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh từ 6,17% năm 2016 tăng lên 7,23% năm 2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh năm 2016 đạt 833,5 triệu USD, năm 2019 tăng lên 2.391 triệu USD.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra, đó là: Triển khai đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh; quy hoạch sân bay Cao Bằng; tỷ lệ nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường huyện, đường xã mới đạt khoảng 75%; toàn tỉnh có Thành phố và 2 huyện Bảo Lâm, Trùng Khánh xây dựng được bến xe.

Nguyên nhân chủ yếu do kế hoạch đầu tư công được Trung ương phê duyệt thấp hơn so với dự kiến; mục tiêu đảm bảo ít nhất mỗi thị trấn có 1 bến xe trong giai đoạn này không thực hiện được do một số huyện có khoảng cách không xa so với trung tâm Thành phố, lại nằm trên trục đường quốc lộ, có tuyến xe buýt hoạt động nên việc đầu tư, xây dựng bến xe khách bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ không có hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở GTVT Lã Hoài Nam, Sở kiến nghị Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện phong trào phát triển giao thông nông thôn; thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là quản lý đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ. UBND tỉnh nghiên cứu, tăng định mức kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, bổ sung định mức bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu trên địa bàn tỉnh; cho phép đấu thầu công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)