Ninh Bình: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn

Thứ sáu, 03/04/2020 09:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, hiện UBND tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo các ngành hữu quan và các địa phương có tuyến đường chạy qua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu trong tháng 6/2020.

Huyện Yên Khánh cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu. 

Đoạn tuyến đường bộ cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài trên 15 km có quy mô 6 làn xe đi qua các địa phương gồm: thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh và huyện Yên Mô. Đến thời điểm hết tháng 3/2020, các địa phương đã đã bàn giao mặt bằng được 8 km. Theo kế hoạch, thời điểm hoàn thành dự án vào tháng 12/2021.

Hiện nhà thầu Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đang đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn đã được bàn giao mặt bằng. Doanh nghiệp đang huy động gần 1.000 kỹ sư, công nhân cùng các máy móc, thiết bị để thi công các hạng mục thuộc dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều điểm chưa được bàn giao mặt bằng, dẫn đến việc thi công gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Đại diện nhà thầu cho biết, còn tới 15 điểm quan trọng cần bàn giao mặt bằng ngay để thi công kịp tiến độ.

Tại khu vực thi công cầu vượt Khánh Phú (địa phận thành phố Ninh Bình), các công nhân và máy móc, thiết bị vẫn phải chờ mặt bằng để tiếp tục thi công cầu vượt và nút giao. Do tại đây còn vướng 185 m tường rào, cây xanh, đường nước và điện sinh hoạt Công ty Phúc Lộc; 146 m tường rào Công ty Đạm; đường cấp nước của Công ty nước Thành Nam, hàng cột điện hai bên đường... Điểm khó khăn nhất tại đây là việc áp dụng hình thức đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo các căn cứ thuộc Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất do Chính phủ ban hành ngày 15/05/2014, căn cứ thực tế xây dựng, Hội đồng giải phóng mặt bằng thành phố Ninh Bình xác định đền bù 20% giá trị xây mới tường rào do đã khấu hao. Doanh nghiệp thì cho rằng, việc đền bù như vậy gây nhiều thiệt thòi cho họ.

Ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, thành phố đang chờ UBND tỉnh cho ý kiến để thực hiện giải phóng mặt bằng khu vực này. Về hàng cột điện hai bên đường có chiều dài tầm 800 m, UBND thành phố Ninh Bình đã bố trí mặt bằng trồng cột mới để dịch chuyển đường điện, chờ Sở Giao thông Vận tải thuê đơn vị thi công. UBND thành phố Ninh Bình sẽ cố gắng bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu trong tháng 4/2020.

Nhà thầu triển khai xây dựng 1 cầu vượt tại địa phận thành phố Ninh Bình. 

Đối với huyện Yên Mô, về cơ bản đã bàn giao được khoảng 80% mặt bằng cho nhà thầu trong tổng số 2,85 km đoạn qua địa phương. Điểm vướng mắc nhất hiện nay là nhà xưởng và hệ thống máy móc, thiết bị của Xưởng cơ khí Thắng Ninh, xã Mai Sơn, là địa điểm quan trọng để thi công cầu vượt Mai Sơn đơn nguyên 2. Nhà xưởng hiện nằm sát chân cầu vượt Mai Sơn đơn nguyên 1 đang sử dụng. Vướng mắc hiện nay của khu vực này là chủ Xưởng cơ khí Thắng Ninh đề nghị được bồi thường toàn bộ máy móc, thiết bị của xưởng, vì cho rằng các máy móc, thiết bị này mang tính chất đặc thù.
Về vấn đề này, ông Đỗ Trọng Luận, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết, hiện địa phương đang thẩm định lại phương án bồi thường đảm bảo đúng quy định, vì các tài sản này không có trong đơn giá của nhà nước. UBND huyện Yên Mô quyết tâm bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 4/2020.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại huyện Yên Khánh hiện cũng còn nhiều khó khăn bởi liên quan đến khoảng 700 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó ảnh hưởng đến nhà cửa, kiến trúc lên tới 225 hộ, trong số này có 185 hộ thuộc diện tái định cư. Bên cạnh đó, có gần 200 ngôi mộ phải di dời. Đến nay, UBND huyện Yên Khánh đã cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, huyện Yên Khánh đã phải vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và phải đi tắt đón đầu một số công đoạn mới đáp ứng được tiến độ đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, huyện đã bố trí các hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở kinh phí thuê ở tạm hoặc bố trí khu tái định cư chợ Dầu do còn dư quỹ đất từ đợt giải phóng mặt bằng giai đoạn trước. Hiện, huyện đang thực hiện các thủ tục để sớm đưa khu tái định cư xóm Rợm vào sử dụng, tuy nhiên việc lập dự án cũng mất nhiều thời gian.

Về cơ bản, chính quyền các địa phương rất quyết tâm, nhân dân các huyện có tuyến cao tốc chạy qua đều ủng hộ dự án của nhà nước. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không thể làm trong một sớm một chiều, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị tỉnh Ninh Bình hoàn thành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 6/2020. UBND tỉnh Ninh Bình cũng đang gấp rút chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực vào cuộc, vận dụng các cơ chế, chính sách phù hợp, đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Ông Đỗ Thành Chung, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho rằng, việc thi công toàn tuyến phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ giải phóng mặt bằng của các địa phương. Hiện tại có 15 điểm quan trọng cần giải phóng mặt bằng gấp rút để phục vụ quá trình thi công. Đặc biệt là tại khu cực cầu vượt Mai Sơn đơn nguyên 2, đơn vị thi công cần mặt bằng càng sớm càng tốt để thi công cầu vượt, do vị trí này phải áp dụng công nghệ đúc hẫng liền khối, đòi hỏi phải thi công liên tục trong 18 tháng. Mặt khác, khu vực cầu vượt Khánh Phú cũng cần phải có mặt bằng để thực hiện ngay, bởi đây là địa điểm thi công phức tạp, cần nhiều thời gian. Nhà thầu hy vọng tỉnh Ninh Bình sẽ bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch để triển khai thi công kịp tiến độ.

toanld

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)