Tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông

Thứ tư, 08/04/2020 08:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Quyết định của Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình về việc kiểm soát xe vận chuyển hành khách nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngày 7/4, các đơn vị hữu quan tỉnh Ninh Bình đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra các xe vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ một lái xe tại chốt kiểm tra cầu Nam Bình
(thành phố Ninh Bình). Ảnh: Đức Phương/TTXVN

* Cụ thể, các tổ công tác liên ngành do lực lượng Thanh tra Giao thông chủ trì, làm tổ trưởng, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, cán bộ y tế các địa phương đã thành lập chốt kiểm tra tại tuyến giao thông cửa ngõ ra vào tỉnh gồm: Cầu Non nước, cầu Nam Bình (thành phố Ninh Bình); cầu Khuất (huyện Gia Viễn); Dốc Xây (thành phố Tam Điệp) và chốt cầu Lập Cập (huyện Nho Quan).

Các chốt kiểm tra hoạt động 24 giờ/ngày tất cả các ngày trong tuần, có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với các xe vận chuyển khách trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và tiến hành ngay biện pháp cách ly đối với trường hợp có dấu hiệu mắc COVID-19.

Ngay buổi đầu ra quân, các chốt kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc quy định về việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, phát hiện 2 trường hợp lái xe vi phạm tại chốt cầu Nam Bình và chốt cầu Lập Cập. Cụ thể, tại chốt cầu Nam Bình phát hiện xe khách 29 chỗ ngồi biển kiểm soát 29B-502.81 do Trương Minh Ngọc (sinh năm 1971, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) điều khiển. Thời điểm kiểm tra, trên xe chở 14 hành khách và khối lượng lớn gỗ thành phẩm. Lái xe khai nhận, các hành khách trên xe đều là thợ mộc, trên đường di chuyển từ Hà Nam vào Hà Tĩnh để làm công trình. Tại chốt cầu Lập Cập, lực lượng liên ngành phát hiện xe chở khách 34 chỗ ngồi, biển kiểm soát 30K-1489 chở 22 hành khách là công nhân từ khu công nghiệp Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình) về Hòa Bình. Lực lượng chức năng đang xác định danh tính lái xe và xử lý theo quy định.

Qua kiểm tra y tế, các lái xe và  hành khách trên 2 xe kể trên đều có thể trạng bình thường, không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Duy Phong, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Ninh Bình cho biết, các tổ công tác sẽ duy trì hoạt động theo quy định nhằm tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn từ nay đến hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

* Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 771 hướng dẫn đối với hoạt động bến khách ngang sông theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các bến khách ngang sông vẫn được phép hoạt động để phục vụ cho các đối tượng có hoạt động công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, đi khám chữa bệnh và chở bệnh nhân đi cấp cứu.

Tuy nhiên để phòng, chống dịch COVID-19, theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bến khách ngang sông nếu tiếp tục hoạt động phải có pano tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, quy định rõ đối tượng được phép chở; kẻ vạch, phân ô trên phương tiện và đường dẫn, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét. Hành khách đi phải mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, phương tiện sau khi chuyên chở phải khử khuẩn...

Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, thống kê các trường hợp công nhân có nhu cầu đi lại từ tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp qua Cần Thơ để làm việc và ngược lại để Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ trao đổi với Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp xem xét, giải quyết.

Trước đó, ngày 31/3, Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ có Công văn số 720 và Công văn số 743 về việc tạm dừng hoạt động tất cả các bến khách ngang sông trên địa bàn Cần Thơ trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1/4 đến ngày 15/4/2020.

Tuy nhiên, việc tạm dừng bến khách ngang sông khiến hoạt động đi lại, mua bán của người dân gặp khó khăn. Đến ngày 4/4, các địa phương như huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ... đã đồng loạt đề nghị cho hoạt động trở lại các bến: Vàm Xáng (Phong Điền), Vàm Nhon, Trường cấp 3, Công Điền, Đông Pháp (Thới Lai), bến số 2, số 10 và bến Láng Sen (Vĩnh Thạnh) và các bến khách ngang sông qua sông Hậu đi từ tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long qua thành phố Cần Thơ để công nhân đi làm trong các khu công nghiệp Cần Thơ.

toanld

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)