Nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, hàng năm, các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn mạng lưới giao thông đường bộ, tổ chức phát quang tầm nhìn hai bên đường, sửa chữa gia cố lề đường, rãnh thoát nước, duy tu, bảo dưỡng, vá ổ gà trên các tuyến quốc lộ do Trung ương uỷ thác quản lý và các tuyến đường tỉnh.
Duy tu QL 39 đoạn qua huyện Kim Động
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển. Hàng năm, kinh phí đầu tư cho phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh đạt hàng nghìn tỷ đồng, qua đó đã đầu tư nâng cấp, hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn. Quốc lộ 39 qua địa phận tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài 44,86km, ngoài ra QL.39 còn có đoạn nối từ ĐT.380 đến cầu vượt QL.5 dài 1,73km.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, QL.39 được bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ những đoạn, tuyến hư hại nặng. Trong 3 năm (2017, 2018, 2019), tổng kinh phí được bố trí thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng đạt hơn 55 tỷ đồng. Các công trình đều được triển khai theo đúng quy định của Nhà nước và của tỉnh về đầu tư xây dựng, bảo đảm tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, bảo đảm giao thông trên tuyến an toàn, thông suốt.
Hệ thống giao thông đường tỉnh hiện có 18 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 359km, hệ thống cầu có chiều dài 1.618m; đây là các tuyến huyết mạch trong mạng lưới giao thông của tỉnh. Trong 3 năm (2017, 2018, 2019), tỉnh đã phân bổ kinh phí gần 187 tỷ đồng thực hiện quản lý, duy tu bảo dưỡng duy trì cấp kỹ thuật bảo đảm giao thông thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với đó, các đơn vị quản lý đường bộ của Sở GTVT đã tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường được phân cấp quản lý, bảo đảm thông suốt; các vị trí phát sinh ổ gà, lún đường, sụt ta luy đều được xử lý kịp thời không để xảy ra tình trạng ách tắc, mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các trường hợp vi phạm hành lang giao thông, trật tự an toàn giao thông; phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông, chính quyền địa phương để thực hiện các công tác giải tỏa vi phạm lòng, lề đường, lều lán, phát quang cây che khuất tầm nhìn. Các hệ thống an toàn đường bộ luôn được bổ sung, bảo đảm, nhất là đối với các biển cảnh báo nguy hiểm, sơn kẻ đường, cọc tiêu, rào tôn sóng…
Qua đánh giá của Sở GTVT, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường được đơn vị chuyên môn thực hiện tích cực. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng chung của hầu hết các tuyến đường đang xuống cấp nhanh do kinh phí đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng còn thiếu, không kịp thời; cấp đường thiết kế so với tải trọng, mật độ lưu lượng xe không còn phù hợp… đã ảnh hưởng đến tuổi thọ của các tuyến đường. Một số tuyến đường tỉnh xuống cấp nhanh, tuy nhiên hiện nay kinh phí cấp cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thấp hơn so với nhu cầu thực tế… nên công tác duy tu, bảo dưỡng còn nhiều khó khăn, chủ yếu đang dừng lại ở việc “hỏng đâu vá đó”. Một số tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trong khu công nghiệp bị xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời.
Nguyên nhân do hệ thống đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh được xây dựng đã lâu nên mặt đường nhỏ chưa đạt cấp quy hoạch, kết cấu mặt đường chủ yếu láng nhựa. Mặt khác nguồn vốn dành cho công tác duy tu, bảo trì còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm năng lực khai thác; kinh phí được cấp để duy tu, bảo dưỡng mới đạt khoảng 50% so với nhu cầu. Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng phương tiện vận tải tăng nhanh trong khi đầu tư mới cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp với nhu cầu phát triển phương tiện của người dân làm cho tuyến đường quá tải, ùn tắc.
Để khắc phục những tồn tại trên, Sở Giao thông vận tải đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí kinh phí để triển khai các dự án, bảo đảm hoàn thành các dự án phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Các địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đường đã được phê duyệt. Tăng kinh phí sửa chữa bảo trì các tuyến đường bộ, nhất là trong sửa chữa định kỳ các tuyến đường trục chính của tỉnh đã đến chu kỳ sửa chữa.
Ngoài ra, sở tiếp tục chỉ đạo thanh tra giao thông chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, kiểm soát xe quá tải trọng. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức phát quang tầm nhìn hai bên đường, sửa chữa gia cố lề, vỉa hè, rãnh thoát nước, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình bảo đảm an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, đèn tín hiệu, vá láng mặt đường, đắp cấp phối bảo đảm mặt đường êm thuận; vệ sinh mặt đường, mặt cầu, quét vôi, chỉnh trang hệ thống biển báo hiệu đường bộ, san gạt lề đường, bổ sung mới biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường trọng điểm của các huyện, thành phố, thị xã.