Hà Nội Transerco vật lộn với khó khăn mùa dịch

Thứ ba, 14/04/2020 10:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang gặp rất nhiều khó khăn do phải ngừng hầu như toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Các cán bộ, lãnh đạo Hà Nội Transerco đã tự cắt giảm đến 40% lương, nỗ lực bảo đảm đời sống vật chất cho đội ngũ công nhân lao động.

Người lao động gặp khó

Hà Nội Transerco là đơn vị chuyên kinh doanh vận tải, cung ứng dịch vụ vận tải công cộng (VTCC) bằng xe buýt lớn nhất của Hà Nội với trên 1.000 phương tiện. Ngay khi dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp, đơn vị đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, mua và cấp phát dung dịch rửa tay sát khuẩn, khẩu trang trên xe buýt, tại các bến xe cho người lao động và hành khách…
Đến nay, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh nỗ lực chống dịch, Hà Nội Transerco cũng đang phải đối diện với thách thức bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Hà Nội Transerco sẵn sàng 100 xe buýt giải tỏa người dân tại các khu cách ly

Để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, người dân được khuyến cáo hạn chế sử dụng VTCC; toàn bộ xe vận tải khách liên tỉnh và hợp đồng du lịch, thương mại, dịch vụ đều bị đình chỉ, khiến hầu như mọi hoạt động kinh doanh của Transerco đều tê liệt.

Từ ngày 22/3, đơn vị đã cắt giảm 20% số chuyến xe buýt (trên 1.000 lượt/ngày), đến ngày 28/3 tạm dừng toàn bộ. Hoạt động vận tải khách liên tỉnh, xe du lịch, xe hợp đồng, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cơ bản dừng hoạt động. Sản lượng đưa đón công nhân các khu công nghiệp giảm 30%; hoạt động vận tải liên tỉnh hầu như không có khách và cũng đã tạm dừng từ ngày 1/4.

Dịch vụ khai thác điểm đỗ xe, bến xe khách liên tỉnh giảm 20 - 30%. Từ ngày 1/4 đơn vị tạm dừng toàn bộ hoạt động của các Bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm theo Chỉ thị số 05/CT - UBND của UBND TP, nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ khác của Hà Nội Transerco cũng gặp nhiều khó khăn trong quý I/2020, nhất là khi dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 1/4. Doanh thu kinh doanh của Hà Nội Transerco sụt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chi trả lương, chế độ cho hàng nghìn lao động.

Đại diện Hà Nội Transerco cho biết: “Từ ngày 28/3, chúng tôi đã buộc phải sắp xếp cho gần 7.500 người lao động nghỉ việc, trong đó có 6.000 lao động phục vụ trên các tuyến xe buýt; khoảng 1.500 lao động trong lĩnh vực kinh doanh”.

Lãnh đạo giảm 40% lương

Lãnh đạo Transerco cho biết, từ ngày 1/4, đơn vị đã đóng cửa toàn bộ cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh. Những cán bộ, công nhân không thuộc diện ngừng việc, nghỉ không lương được yêu cầu làm việc trực tuyến tại nhà; chỉ người làm nhiệm vụ trực bảo vệ an ninh, an toàn tài sản cơ quan và trực sẵn sàng nhiệm vụ phục vụ được phép có mặt tại cơ quan.

Đơn vị đang làm mọi cách để cắt giảm chi phí, với mục tiêu tối thiểu giảm 5% theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội. Trong đó, tập trung tiết giảm chi phí quản lý; triệt để ứng dụng, cải tiến công nghệ để tiết kiệm chi phí sản xuất; giãn tiến độ triển khai một số dự án đầu tư; tạm dừng tất cả các khoản mua sắm, xây dựng, cải tạo, duy tu cơ sở vật chất chưa thực sự cần thiết.

Rà soát, tiết giảm tối đa các khoản chi thường xuyên như điện, nước, thông tin liên lạc, khánh tiết, đối ngoại. Đặc biệt, Hà Nội Transerco đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối trong việc cắt giảm 20 - 40% tiền lương của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp Tổng Công ty và cấp đơn vị trực thuộc…

Với cán bộ, công nhân viên, Hà Nội Transerco đã giảm ngày công khối gián tiếp, phân công luân phiên lực lượng lao động trực tiếp làm việc để tiết giảm chi phí, ổn định một phần thu nhập cho người lao động.

Với 7.500 người lao động phải nghỉ việc, Transerco cũng chủ động bằng mọi nguồn lực của mình, chi trả các khoản theo chế độ, chính sách theo đúng quy định, bảo đảm ổn định nội bộ và sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Lãnh đạo Hà Nội Transerco chia sẻ: “Chúng tôi rất mong TP xem xét, hỗ trợ Tổng Công ty 50% chi phí tiền lương cho người lao động làm việc trong khối VTCC”.

Lãnh đạo Hà Nội Transerco cho biết đã đề xuất TP Hà Nội tạo điều kiện cho đơn vị tiếp cận, vay vốn lưu động không lãi suất, để có đủ nguồn lực tài chính khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi hết dịch bệnh.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)