Do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải trong tỉnh phải hoạt động cầm chừng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng cộng với khoản vay đầu tư trước đó khiến các đơn vị khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Xe buýt liên tỉnh vẫn nằm bến và chưa biết khi nào có thể hoạt động trở lại
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết loại hình vận tải đều phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong một thời gian dài làm cho các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Khó trăm bề
Mặc dù dịch vụ taxi đã được phép hoạt động trở lại từ chiều16.4 nhưng đến nay, các xe vẫn phải chạy cầm chừng do rất vắng khách. Là hãng taxi mới và nhỏ nên Công ty CP Dịch vụ và Thương mại R. hiện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Công ty hiện chỉ còn 20 xe, trước đó 30 xe đã nhượng quyền thương hiệu. "Hằng năm ngoài tiền thuế, 20 đầu xe phải mất thêm tiền kiểm định khoảng 300triệu đồng. Khi chưa có dịch, vì là hãng mới nên vốn dĩ khách đã ít, nay càng ít hơn.
Kể cả khi hết dịch và được phép chở đủ khách trên xe, chạy liên tỉnh thì phải cả năm sau DN mới hy vọng vực lại được. Còn nếu dịch kéo dài thì không nói trước được điều gì. Chúng tôi phải tính đến những điều xấu nhất", đại diện công ty này cho biết.
Là DN lớn nhưng tình hình của hãng taxi T.Đ. cũng không khá khẩm hơn. Ông N.Q.Đ- điều hành hãng taxi này nhận định, nguy cơ phá sản đối với DN vận tải nói chung là hiện hữu chứ không chỉ đối với riêng taxi. Nếu hãng taxi nhỏ thì khả năng này càng lớn. Trong khi chờ các gói hỗ trợ đến được tay DN thì nhiều đơn vị vẫn phải loay hoay trả nợ gốc, lãi, bởi đa phần DN vận tải đều có xe "nằm" ở ngân hàng.
Đối với hãng taxi T.Đ., khi dịch bùng phát, DN đã có những khoản hỗ trợ dành cho lái xe bằng cách trừ vào doanh thu hằng tháng nhưng cũng chỉ giải quyết khó khăn cho họ được một phần nhỏ. Từ ngày 16.4 đến nay, xe được phép chạy nhưng chỉ chở 1 khách và đi trong tỉnh nên nhiều lái xe cũng không hào hứng. "Nghỉ lâu cũng buồn nên khi nghe công ty thông báo đi làm trở lại, tôi lái xe từ quê lên. Nhưng thời điểm này xe chỉ chạy hòa vốn vì làm gì có khách", anh V.Đ., lái xe taxi của hãng T.Đ. cho biết.
Không chỉ taxi, các DN xe buýt, xe vận tải hàng hóa, xe khách đường dài cũng gặp rất nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại. Đại diện hãng vận tải đường dài A.S. rất lo lắng khi toàn bộ xe phải nằm bến. Đây là lần đầu tiên kể từ khi hãng thành lập gặp phải tình huống này. Mỗi xe khách đường dài có giá trị rất lớn, hồ sơ nhiều xe cũng đang ở ngân hàng (do vay vốn ngân hàng để mua xe). Lương lái xe, phụ xe cũng cao hơn lái xe, phụ xe khách trong tỉnh và xe buýt rất nhiều. Nếu tình trạng xe nằm bến kéo dài, đơn vị chưa biết xoay xở ra sao.
Mặc dù xe buýt đi trong tỉnh cũng được phép hoạt động trở lại vào chiều 16/4 nhưng các xe chạy với tần suất thấp hơn trước khi có dịch. 8 tuyến liên tỉnh vẫn đang nằm bến để chờ thông báo mới. Kéo theo đó là hàng trăm lái xe, nhân viên phục vụ không có việc làm, thu nhập. Theo Đề án "Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020", hầu hết các DN xe buýt đã vay ngân hàng để thay thế xe cũ bằng xe mới, vì vậy mức đầu tư cũng tăng mạnh. Công ty CP Vận tải Đ.K đã vay khoảng 37 tỷ đồng, Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch H.T vay 15,9 tỷ đồng, Công ty TNHH T.P vay 14,7 tỷ đồng... Theo ông N.Q.C., Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch N.V.C, công ty vay hơn 10 tỷ đồng để đầu tư toàn bộ xe buýt mới. Hoạt động chưa lâu thì phải tạm dừng do dịch Covid-19. Mặc dù khoản vay ngân hàng có ưu đãi theo đề án của tỉnh nhưng lãnh đạo công ty vẫn rất lo lắng.
Ông Vũ Văn Quyến, Giám đốc Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương cho biết toàn tỉnh hiện có 13 DN xe buýt với tổng số 207 phương tiện hoạt động trong tỉnh, 8 tuyến đi tỉnh ngoài. Số lượng hành khách đi xe buýt so với cùng kỳ năm ngoái giảm dẫn đến doanh thu của các DN giảm. "Đây là khó khăn chung, đòi hỏi các DN khẩn trương bắt tay vào làm việc ngay sau khi được phép hoạt động trở lại để bảo đảm doanh thu cho đơn vị và đời sống người lao động", ông Quyến cho biết thêm.
Chờ hỗ trợ
Theo Sở Giao thông vận tải, tỉnh cho phép một số loại hình vận tải hoạt động trở lại nhưng kèm theo quy định chỉ được hoạt động trong tỉnh, hạn chế số người được phép chở. Đây là biện pháp buộc phải áp dụng để bảo đảm an toàn phòng chống dịch nhưng chắc chắn gây khó khăn đối với DN, lái xe.
Lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động của DN, vừa qua 13 đơn vị kinh doanh xe buýt đã có đơn đề nghị tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ. "Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, một số DN vận tải trong tỉnh sẽ không cầm cự nổi, có nguy cơ phá sản", đơn đề nghị nêu. Các DN đề nghị tỉnh và các sở, ngành liên quan miễn giảm lệ phí các tuyến xe buýt từ tháng 2 cho đến khi hết dịch. Đề nghị các ngành thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam hỗ trợ phí đường bộ, phí kiểm định, phí cầu đường cho các phương tiện phải dừng hoạt động.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết đề xuất trên của các DN là chính đáng. Sở đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan tham gia ý kiến đề xuất các chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đó là các chính sách về thuế, phí, lệ phí; chế độ đối với người lao động; hỗ trợ giãn hoặc miễn giảm thuế, duy trì cho vay; miễn, giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ... Mới đây, UBND tỉnh cũng có chỉ đạo về vấn đề này nhằm giảm bớt khó khăn cho DN vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.