Huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) khởi sắc từ phong trào xây dựng hạ tầng giao thông

Thứ hai, 04/05/2020 08:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với sự nỗ lực tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Cao Bằng dần mở rộng, các tuyến đường từng bước được cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuyến đường xã Nam Quang (Bảo Lâm) được bê tông hóa

Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, huyện Bảo Lâm tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động, từng bước mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường vào trung tâm xã, đường liên xã, liên xóm với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện”, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Lâm Nông Văn Tuế cho biết: Huyện chỉ đạo các phòng chức năng, các xã huy động các nguồn lực, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng hạ tầng giao thông, qua đó tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, huyện thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, giám sát góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn xây dựng các công trình. Mặt khác, chủ trương hỗ trợ xi măng cứng hóa đường nông thôn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong việc hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động, vật liệu phát triển mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT).

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2016 đến nay, huyện đầu tư 281,9 tỷ đồng mở mới, cải tạo, nâng cấp 109 công trình GTNT với tổng chiều dài gần 225km. Trong đó, đầu tư mở mới 9 tuyến đường liên xã, liên xóm dài 33,26 km; cải tạo, nâng cấp 191,6 km đường huyện, liên xã, liên xóm. Ngoài ra, làm đường bê tông xi măng theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, giai đoạn 2016 - 2020, huyện hỗ trợ hơn 1.500 tấn xi măng trị giá 9,6 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 5.640 ngày công lao động, hiến hơn 10.000 m2 đất bê tông hóa 112 tuyến đường thôn, xóm, đường nội đồng rộng từ 1,5 - 3,5m, dài 45,8km. Đến cuối năm 2019, 100% xã có đường ô tô, trong đó có 10/13 xã, thị trấn được nhựa hóa hoặc bê tông đến trung tâm xã; 162/196 xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm.

Nam Quang là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện, do địa hình chia cắt nên việc phát triển GTNT trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Nam Quang Mã Văn Vừ chia sẻ: Khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, xã xác định phát huy nội lực, huy động sức dân là yếu tố chính để hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Với cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp công sức, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã, xóm, hiện toàn xã có 6 km đường xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 21km đường xóm được cứng hóa, trong đó có 5 xóm làm đường bê tông xây mới vào trung tâm xóm. Xã phấn đấu đến hết năm 2020, 100% xóm có đường, trong đó trên 70% xóm có đường bê tông. Những tuyến đường liên xóm được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp giúp người dân đi lại thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn của xã thêm khởi sắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới giao thông liên xóm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của địa phương; còn 3 tuyến đường từ huyện đến xã chưa cứng hóa; nhiều xóm, đặc biệt là các xóm vùng cao chưa có đường xe máy đến xóm; nguồn vốn bố trí từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp nên một số dự án chậm triển khai theo kế hoạch... Việc phát triển GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở một số xã khó triển khai do đời sống nhân dân còn nghèo, mật độ dân cư thưa thớt, huy động nguồn lực còn khó khăn nên việc phát triển GTNT chưa đạt hiệu quả.

Thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện làm đường GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án để hoàn thiện các công trình giao thông trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, duy trì bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch giao thông bảo đảm bền vững, ổn định...

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)