Trong mùa mưa bão, lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) chịu ảnh hưởng lớn nhất từ loại hình thiên tai là lũ, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất. Trong năm 2019, mưa bão khiến nhiều điểm ta luy dương, ta luy âm trên địa bàn Hòa Bình bị sạt lở gây tắc đường, mất an toàn giao thông. Vị trí ngầm tràn trên các tuyến ĐT.432B, ĐT.439 (Mai Châu), ĐT.433 (Đà Bắc), ĐT.438 (Lạc Thủy), đường TSA (Bãi Chạo – Bãi Lạng, huyện Lương Sơn và Kim Bôi) đều bị ngập sâu trong nước, gây ách tắc giao thông nhiều ngày tại nhiều tuyến đường.
Tuyến đường lên xóm Vôi, Tháu, phường Thái Bình (TP Hòa Bình)
nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão.
Đã có những thiệt hại đáng kể như: đối với đường T.Ư ủy thác quản lý, chiều dài sạt lở hư hỏng khoảng 50 m; sạt lở ta luy dương tại 15 vị trí, khối lượng khoảng 200 m3; 1 vị trí cống, 8 cột thủy chí hư hỏng, gẫy đổ; các vị trí mặt đường bị ngập nước khoảng 850 m. Đặc biệt, vị trí km 47+050 - km 47+200, đường 12B bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông cục bộ trong nhiều ngày do cửa xả thoát nước bị lấp tắc. Đối với các tuyến đường tỉnh giao quản lý, mưa lũ đã làm sạt lở khoảng 200 m; sạt lở ta luy dương tại 30 vị trí, khối lượng khoảng 9.000 m3; 3 vị trí cống hư hỏng; 36 vị trí tắc đường do sạt lở, ngầm tràn ngập nước; 53 vị trí cọc tiêu, cột thủy chí gẫy đổ.
Hiện, tuy chưa chính thức bước vào mùa mưa bão, nhưng từ đầu năm đến nay đã có những đợt mưa vừa, mưa to đến rất to, gây thiệt hại về nhà cửa, sản xuất của người dân trong tỉnh. Cùng với đó, một số tuyến đường đã xuất hiện những điểm sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến.
Theo thống kê của Sở GTVT Hòa Bình, với chất lượng hiện trạng hạ tầng giao thông trên địa bàn, năm 2020, những vị trí, tuyến đường được xác định là xung yếu, gồm: QL6 đoạn qua dốc Cun, dốc Quy Hậu, đèo Thung Khe, Thung Nhuối…; tuyến C, đường TSA, đường 12B, ĐT.432, ĐT.433, ĐT.435, ĐT.448 chiều cao và độ dốc mái ta luy lớn nên có nguy cơ sạt lở; ĐT.445, ĐT.446 có một số cầu yếu; ĐT.438B nhiều đoạn làm dở dang, đang dừng hoãn tiến độ thi công; đoạn km131+050 - km131+250, QL6 và hầu hết các tuyến đường có ngầm đều có nguy cơ tắc đường cục bộ khi mưa lớn kéo dài do nước ngập sâu, chảy xiết. Đối với TP Hòa Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của xả lũ nhà máy thủy điện Hòa Bình ở cốt nước từ trên 23,5 m.
Với phương châm chủ động trong phương án, lấy phòng ngừa là chính; ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt… Sở GTVT Hòa Bình đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, đảm bảo ATGT năm 2020. Theo đó, trước mùa mưa bão, Sở đã đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác bảo trì các tuyến đường được phân cấp quản lý; kịp thời sửa chữa hư hỏng; gia cường các vị trí xung yếu. Kiểm tra, rà soát các công trình cầu, có phương án cấm qua lại các cầu yếu cũng như cầu, ngầm có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão…
Các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ chủ động kiểm tra, có biện pháp sửa chữa gia cố tăng cường những vị trí xung yếu như những đoạn nền yếu, đèo dốc, mái ta luy dễ sụt lở; duy tu sửa chữa nền, mặt đường; khơi thông rãnh thoát nước, sơn sửa cọc tiêu, cột thủy chí, biển báo hiệu; gia cố lòng cầu, cống, mặt và sân ngầm tràn, thanh thản dòng chảy. Chuẩn bị đá hộc, rọ thép, dầm I, ván mặt cầu… tập kết tại các vị trí trung tâm dễ lấy, dễ vận chuyển.
Bên cạnh đó, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng, vận hành khai thác công trình đường thủy nội địa tích cực kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu, đèn hiệu, các vị trí có nguy cơ sạt lở và tất cả các vị trí chướng ngại vật cản trở giao thông. Kịp thời điều chỉnh, di chuyển, bố trí báo hiệu trên tuyến phù hợp với tình hình mưa lũ. Kiểm tra các khu vực bố trí cho phương tiện tránh bão, hệ thống neo, duy tu, sơn màu lại các biển báo hiệu, đảm bảo tầm nhìn cho phương tiện tham gia giao thông…
Ngoài ra, Sở GTVT Hòa Bình đã xây dựng phương án cụ thể trong mùa mưa bão; yêu cầu các đơn vị trong ngành thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo sát sao từng khâu, từng bộ phận. Trong đó, đối với công trình đường bộ cần thường xuyên kiểm tra hệ thống cầu đường, nhất là trên các tuyến có điểm xung yếu dễ sụt lở, cắm biển báo nguy hiểm ở cầu yếu. Ngầm tràn ngập sâu từ 0,5 m trở lên phải cử người đứng gác, đóng barie tạm thời không cho xe qua lại.
Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường thủy nội địa quan tâm bố trí các trạm điều tiết, hướng dẫn giao thông; phối hợp với các địa phương nơi đóng quân và các cơ quan liên quan bảo vệ tài sản, đơn vị và Nhân dân khi có bão lũ; đảm bảo ATGT trong mọi tình huống. Khi mưa bão xảy ra phải huy động nhanh nhất mọi khả năng về phương tiện, thiết bị, nhân lực để ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn, kịp thời khắc phục hậu quả.
Nếu lụt, bão gây hư hỏng cầu, đường làm ách tắc giao thông thì đơn vị chức năng nhanh chóng bằng mọi biện pháp chỉ đạo tập trung lực lượng đảm bảo giao thông bước 1… Đối với các tuyến đường độc đạo dễ xảy ra ách tắc, cô lập như: ĐT.432, ĐT.433, ĐT.450, các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ huy động mọi nguồn lực, chia làm nhiều mũi để thi công, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ Nhân dân di chuyển bằng đường thủy nội địa sông Đà trong các trường hợp cần di chuyển cấp bách…
Hiện, Sở GTVT Hòa Bình cũng đã xây dựng phương án phân luồng, đảm bảo giao thông trong trường hợp xảy ra sự cố ách tắc trên QL6, đường Hồ Chí Minh và QL15.