Sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều quán ăn, nhà hàng mở cửa trở lại, hoạt động nhộn nhịp. Điều đó kéo theo tình trạng nhiều người đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm Nghị định 100, bất chấp mức xử phạt rất nặng. Để ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe sử dụng rượu bia gây ra, các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm.
Lực lượng công an TP Hạ Long kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe
Trước khi xảy ra dịch Covid-19 việc thực hiện Nghị định 100 bước đầu đã giúp giảm tỷ lệ TNGT. Đặc biệt, nhờ tăng cường hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn nên không có vụ tai nạn nào xảy ra trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng, cho thấy việc xử phạt nghiêm với người uống rượu, bia lái xe đã khiến chính mỗi người dân tự giác, nâng cao ý thức của mình. Thế nhưng, sau thời gian giãn cách xã hội, hàng quán mở cửa, rất nhiều người quay trở lại nhịp sống thường nhật và buông lỏng kỷ luật. Không ít người dân cho rằng lực lượng chức năng tập trung phòng chống dịch bệnh, giảm tuần tra, xử phạt, dẫn đến tâm lý tranh thủ ăn nhậu rồi lái xe. Nhìn hàng trăm chiếc xe máy ngổn ngang ở các khu vực tập trung các quán ăn sẽ thấy nguy cơ TNGT tăng lên từ đó.
Thói quen tụ tập vui vẻ với bạn bè, bàn công việc bên bàn nhậu để rồi sau đó gây nên những hậu quả cho chính mình và người vô tội dường như khó lòng thay đổi. Thói quen chỉ nhấp môi vài ly nên chưa say, đủ tỉnh để lái xe của nhiều người phải được xử lý ngay, việc thực thi quy định theo Nghị định 100 phải làm nghiêm trở lại. Tại một nhà hàng trên phố Hải Long, TP Hạ Long, nhiều khách rời quán tự chạy xe máy, thậm chí lái ô tô về. Anh Nguyễn Huy Hoàng, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, nói: Lâu rồi bạn bè chưa ra quán ngồi chung từ lúc cách ly xã hội nên hàng quán mở lại nhóm hẹn nhau ra quán để nói chuyện cho thoải mái. Uống vài cốc bia vẫn thừa sức tự chạy xe máy về được.
Có thể thấy, vẫn có những trường hợp chủ quan trong việc chấp hành Nghị định 100. Chưa kể họ còn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng. Có thực tế hiện nay ngoài việc thông báo cho nhau trên mạng xã hội về các chốt kiểm tra đối với tốc độ và nồng độ cồn, người dân và các hãng taxi cũng thông báo đến nhau qua bộ đàm nhằm trốn tránh việc kiểm tra của lực lượng CSGT. Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu điều tra thay đổi phương thức hoạt động, thay đổi địa bàn để xử lý cương quyết đối với những trường hợp vi phạm ATGT.
Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, trong gần 1 tuần thực hiện tổng kiểm soát phương tiện có hàng trăm trường hợp lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn đã bị phát hiện xử lý... 4 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành xử lý 91.289 trường hợp vi phạm Luật giao thông, phạt 48,539 tỷ đồng, tạm giữ 3.224 phương tiện, tước 3.537 GPLX.
Cùng với việc người dân và học sinh, sinh viên quay trở lại học tập, làm việc nên lưu lượng phương tiện trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhất là giờ cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng trật tự ATGT. Do vậy, trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát theo Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông (từ 15/5/2020 đến 14/6/2020), trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào các tuyến quốc lộ, đường đô thị, đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã… trọng tâm là các tuyến quốc lộ có tình hình giao thông phức tạp như: 18, 279, 10; tỉnh lộ, đô thị 326, 329, 337… Đặc biệt, các lực lượng chức năng thường xuyên và đột xuất tuần tra lưu động; sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát bằng hình ảnh, để xử lý các trường hợp vi phạm, qua đó nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.