Theo báo cáo của ngành chức năng hiện nay tuyến giao thông dọc đường cao tốc kết nối Quốc lộ 38 với Quốc lộ 21 B từ phường Đồng Văn đến xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, nhất là vào giờ tan tầm...
Dự án tuyến giao thông dọc đường cao tốc kết nối Quốc lộ 38 với Quốc lộ 21B qua địa phận các xã, phường: Đồng Văn, Tiên Nội, Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên) và Tiên Hiệp (thành phố Phủ Lý) có chiều dài 7,19 km, điểm đầu từ phường Đồng Văn về điểm cuối tại xã Tiên Hiệp. Công trình được thi công đầu năm 2015 với các hạng mục: xây dựng mặt đường nhựa apphan, lát vỉa hè; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng; trồng cây bóng mát ven một bên đường và do Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao làm chủ đầu tư. Dự án có nhiều nhà thầu thi công ở từng hạng mục và mặc dù tuyến đường đã thông xe năm 2017 nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để bàn giao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc chậm quyết toán dự án mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì các hạng mục công trình.
Đoạn đường qua địa phận phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên)
có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.
Tuyến đường được xây dựng với mặt đường rộng 15 m nằm dọc ven đường cao tốc, có vỉa hè hai bên. Toàn bộ phần xây dựng tuyến đường, vỉa hè đã hoàn thành, được ngành giao thông kẻ vẽ vạch chỉ dẫn, lắp đặt biển báo an toàn giao thông (ATGT) tại các nút giao cắt với đường thôn, xóm và tại khu vực 8 cống chui qua đường cao tốc để bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, hiện nay ở từng hạng mục thi công dự án vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục để bàn giao dự án. Với phần cây xanh, thời gian qua việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng ở tuyến vỉa hè phía bên phải (cây OSAKA) của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, toàn tuyến có khoảng 30 cây đã chết do sâu bệnh. Hầu hết, cây trồng phát triển chậm, chiều cao, tán lá chưa bảo đảm. Vì vậy, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tập trung chăm sóc và khẩn trương bổ sung cây trồng đã bị sâu, nhưng đến nay vẫn không nghiêm túc thực hiện. Vì thế chưa bảo đảm đầy đủ các yếu tố hoàn thiện thủ tục về chủng loại, số lượng, khoảng cách, chiều cao và mức độ phát triển cây trồng để thanh lý hợp đồng theo đúng quy định.
Sau khi hoàn thiện mặt đường, nhà thầu thi công là Công ty Hải Sơn, thành phố Phủ Lý đã xây dựng, lát vỉa hè hai bên đường và lắp đặt hệ thống đèn cao áp (bóng led) toàn tuyến đúng vị trí, khoảng cách theo quy định. Tuy nhiên, đến nay chỉ một đoạn đường nằm ở KCN Đồng Văn III được sử dụng đèn chiếu sáng, còn lại ở các đoạn thuộc địa phận các xã: Tiên Ngoại, Tiên Hiệp, phường Tiên Nội không được thắp điện. Nguyên nhân do đơn vị thi công chưa bàn giao công trình nên chưa có đơn vị quản lý, bảo trì và thanh toán chi phí tiền điện. Điều này khiến việc đi lại của người dân, nhất là công nhân các khu công nghiệp tan tầm vào thời điểm đêm khuya tiềm ẩn nhiều mối lo mất an toàn. Ông Lê Mạnh Hà ở thôn Yên Bảo, xã Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên) cho biết: Đoạn đường không có đèn chiếu sáng, trong khi mật độ giao thông đông và tuyến đường có nhiều lối rẽ vào khu dân cư, qua cống chui đường cao tốc, đặc biệt đoạn đường vắng nên ở đây có nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, ATGT. Thực tế đã xảy ra các vụ tai nạn, va quệt giữa các phương tiện.
Theo báo cáo của ngành chức năng hiện nay tuyến giao thông dọc đường cao tốc kết nối Quốc lộ 38 với Quốc lộ 21 B từ phường Đồng Văn đến xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, nhất là vào giờ tan tầm. Bởi trên tuyến này, mật độ giao thông đông, đặc biệt tại Khu Công nghiệp Đồng Văn III thời gian qua đang tập trung san lấp mặt bằng để thu hút doanh nghiệp đầu tư khiến lượng xe ô tô vận chuyển vật liệu gia tăng ở mọi thời điểm. Lưu lượng phương tiện vận tải đông đã kéo theo lượng bùn đất rơi vãi không được thu gom kịp thời, mặt đường lại không được tưới nước thường xuyên khiến lượng bụi lớn phát sinh mỗi khi có phương tiện lưu thông. Hơn nữa, tuyến đường có một cổng chính vào khu công nghiệp nhưng nằm ven đường có 9 doanh nghiệp tự mở cổng ra ngoài mặt đường để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hằng ngày, vào buổi chiều tối nhiều người dân đã tự ý mang các loại nông sản, thực phẩm bày bán ở ven đường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của công nhân và khách qua đường. Từ những yếu tố đó khiến đoạn đường thường xuyên xảy ra xung đột giao thông giữa các phương tiện, gây bức xúc cho người dân. Thiếu tá Đoàn Trung Dũng, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an thị xã Duy Tiên) cho biết: Để bảo đảm ATGT, thời gian qua lực lượng Công an giao thông thị xã thường xuyên tuần tra và kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự ATGT thuộc địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, do ý thức của người dân còn hạn chế và không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ nên khi lực lượng đi khỏi thì tình trạng này lại tái phạm. Những vi phạm về trật tự ATGT không chỉ riêng của người bán hàng mà cả người dân đã tự ý đậu đỗ phương tiện ngay ở lòng đường để tiện lợi cho hoạt động giao dịch, trao đổi hàng hóa, vì thế thường gây lộn xộn về giao thông vào buổi chiều tối.
Ông Trương Công Khải, Trưởng Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao cho biết: Vừa qua, chủ đầu tư đã yêu cầu tất cả các nhà thầu phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường về từng hạng mục còn tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao và quyết toán công trình. Sau đó, đề nghị UBND tỉnh giao cho UBND thị xã, thành phố quản lý tuyến đường theo địa giới hành chính. Như vậy, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành, bảo trì, duy tu sửa chữa công trình; đồng thời để các địa phương xây dựng kế hoạch chủ động nguồn kinh phí chi trả tiền điện thắp sáng. Mặt khác, sau khi được phân cấp quản lý, các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tăng cường phối hợp thực hiện công tác giải tỏa vi phạm lòng, lề đường, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Thực hiện tốt các nhiệm vụ này làm cơ sở để dự án tiếp tục hoàn thiện các thủ tục xây dựng thêm hơn 2 km đường kết nối đồng bộ với tuyến Đường Võ Nguyên Giáp của thành phố Phủ Lý. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công trong năm 2021.