Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X xác định “Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm, và “Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thủy lợi và đô thị” là một trong số các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 11/11/2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025, đây cũng chính là cơ sở cho việc lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ Sở Giao thông vận tải (GTVT) trong nhiệm kỳ qua. Sau 5 năm thực hiện, có thể thấy, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Hàng loạt công trình giao thông đã được đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Hệ thống cầu ở nông thôn được quan tâm, đầu tư xây dựng thời gian qua
đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong ảnh: Cầu Đạ Ploa
Thực hiện nhiệm vụ được giao, 5 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở GTVT Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Cụ thể, Sở đã hoàn thành, trình phê duyệt một số các đề án quy hoạch, điều chỉnh bổ sung quy hoạch trong lĩnh vực GTVT; tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016 - 2020; nhu cầu kế hoạch đầu tư công của ngành giao thông theo định hướng kết nối mạng giao thông các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030...
Sở đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, thúc đẩy đầu tư các công trình hạ tầng giao thông vận tải. Phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành việc đầu tư, đưa vào khai thác Dự án khôi phục, cải tạo QL 20 đoạn Bảo Lộc - Đà Lạt; tuyến tránh Quốc lộ 20 (đoạn qua TP Bảo Lộc). Đề xuất Bộ GTVT đầu tư bổ sung các hạng mục bổ sung như: đoạn đèo Mimosa, hệ thống thoát nước và cầu yếu trên tuyến QL 20, bố trí vốn xây dựng đoạn tránh Sân bay Liên Khương (QL 27). Thời gian qua, Sở cũng chủ động phối hợp với Bộ GTVT trong việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; dự kiến hoàn thành, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2020.
Đối với hệ thống đường bộ địa phương, Sở GTVT đã hoàn thành và dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020 tổng số 14 dự án với số vốn là 1.768 tỷ đồng và đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 5 dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2020-2025, đó là các dự án: nâng cấp, cải tạo đường tỉnh ĐT.725, đoạn Di Linh - Bảo Lâm; nút giao Phan Chu Trinh TP Đà Lạt; đường gom cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn...
Về đầu tư, phát triển giao thông nông thôn, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã hướng dẫn thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng và công tác vận động, tuyên truyền. Quán triệt chủ trương của tỉnh về phát triển giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”.
Đến nay, tổng số km đường được cứng hóa khoảng 5.801 km, đạt tỉ lệ 82,6%; hoàn thành xây dựng 9 cầu treo từ nguồn vốn ngân sách tỉnh; phối hợp với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam triển khai công tác giải phóng mặt bằng thi công 75 cầu dân sinh Dự án LRAMP.
Sở GTVT cũng đặc biệt quan tâm và tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe, trạm dừng xe, nhà chờ xe buýt đạt chuẩn. Đến nay, đã có 12 bến xe khách, 2 trạm dừng xe và 20 nhà chờ xe buýt được đầu tư xây dựng. Hoàn thành việc đầu tư dây chuyền đăng kiểm tại huyện Đức Trọng và nâng cấp, bổ sung mới 1 dây chuyền kiểm định tại Đà Lạt, nâng tổng công suất kiểm định xe cơ giới của Trung tâm Đăng kiểm lên 320 xe/ngày.
Để tăng cường công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt và êm thuận trên các tuyến quốc lộ ủy thác và các đường tỉnh, Sở đã tăng cường phối hợp, đề xuất Bộ GTVT, Quỹ Bảo trì đường bộ và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam trong việc bố trí vốn sửa chữa bảo trì các tuyến quốc lộ được giao ủy thác và đường địa phương. Tổng nguồn vốn được bố trí giai đoạn 2016-2020 là 701 tỷ đồng; trong đó nguồn bảo trì Trung ương là 388 tỷ đồng và nguồn bảo trì địa phương là 313 tỷ đồng. Song song đó, tham mưu đề xuất UBND tỉnh tăng cường bố trí ngân sách cho công tác quản lý bảo trì đường bộ, phân bổ nguồn vốn bảo trì đường bộ và thay đổi phương thức chỉ định thầu bằng phương thức đấu thầu trong công tác quản lý bảo trì đường để sử dụng hiệu quả nguồn vốn được cấp.
Bằng các giải pháp, chính sách được triển khai đồng bộ, tích cực huy động nguồn lực, thực hiện việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông; đặc biệt là các công trình quan trọng, cần thiết phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả, sau 5 năm thực hiện nghị quyết, bộ mặt hạ tầng giao thông của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng ngành GTVT Lâm Đồng đã chủ động huy động mọi nguồn lực đầu tư để sửa chữa, bảo trì các tuyến quốc lộ và song song đó đưa hàng loạt công trình vào khai thác, sử dụng như: Đường nối Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm với đường cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn; ĐT.725 đoạn đèo Tà Nung, đoạn Tân Thanh (huyện Lâm Hà) - Tân Lâm (huyện Di Linh); ĐT.723 đoạn Đà Lạt - Đạ Cháy; kiên cố hóa các cầu số 3, 4, 6 và 7 trên tuyến đường Liên Hung - Đầm Ròn; cải tạo cầu vượt đường sắt Trần Quý Cáp, TP Đà Lạt; sửa chữa, cải tạo đường Nguyễn Hoàng, TP Đà Lạt; cầu Ka Đô; cầu Ông Thiều; ĐT.724 và xây dựng 3 cầu tuyến ĐT.721; QL27 đoạn tránh Sân bay Liên Khương; sửa chữa, nâng cấp đoạn Lộc Bảo - Lộc Bắc và đoạn Con Ó - Đạ Tẻh trên tuyến ĐT.725; cầu Đạ Long; ĐH.412 - ĐH.413 huyện Đơn Dương; đường B’Sa - Đoàn Kết... Qua đó cho thấy, ngành GTVT đã có giải pháp đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm và đó cũng chính là những thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng ngành GTVT cần phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới.