Triển khai thực hiện kế hoạch, từ ngày 6 - 10/7, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã kiểm tra 171 trường hợp, lập 25 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt gần 40 triệu đồng...
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trên Quốc lộ 10,
đoạn qua địa bàn huyện Vũ Thư.
Thực hiện Quyết định số 952/QĐ-UBND, ngày 18/4/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế hoạt động của các lực lượng trong công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 9/11/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, xe chạy sai luồng tuyến trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải thống nhất với Công an tỉnh lập kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đối với ô tô vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện kế hoạch, từ ngày 6 - 10/7, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã kiểm tra 171 trường hợp, lập 25 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt gần 40 triệu đồng...
Trong lĩnh vực vận tải hành khách, đối tượng kiểm tra của lực lượng chức năng là các doanh nghiệp vận tải hành khách, các chủ xe, lái xe vận tải hành khách. Nội dung kiểm tra tập trung các lỗi vi phạm như người điều khiển xe trên đường có nồng độ cồn, chất ma túy, xe vận tải hành khách không có phù hiệu, xe chạy hợp đồng không đúng quy định, xe chạy sai luồng tuyến, dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định. Địa bàn kiểm tra tại các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, các chủ xe, lái xe vận tải hàng hóa. Nội dung kiểm tra là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, chú trọng các lỗi vi phạm như tự ý thay đổi kích thước thành thùng của nhà sản xuất (cơi nới thành thùng); chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép so với thiết kế của phương tiện hoặc của cầu, đường; xe ô tô vận chuyển siêu trường, siêu trọng vi phạm các quy định về chở hàng quá tải trọng. Địa bàn kiểm tra trên toàn tỉnh, tập trung kiểm tra, xử lý tại các khu công nghiệp, đầu mối các bến bãi, bến cảng nơi bốc xếp hàng hóa...
Mục đích của kế hoạch chuyên đề trên nhằm huy động lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, từng bước chấn chỉnh, lập lại trật tự trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc phức tạp trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa. Cùng với việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng còn tuyên truyền, nhắc nhở người điều khiển, chủ phương tiện vận tải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết: Sau nhiều đợt ra quân thực hiện kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người điều khiển, chủ phương tiện ô tô vận tải hành khách, hàng hóa đã có sự chuyển biến tích cực. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, từ đó góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn nhận thức chưa đầy đủ việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, còn có đối tượng vi phạm tìm mọi cách trốn tránh, chống đối, cố tình gây khó khăn khi các lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm.
Để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tập huấn các văn bản hướng dẫn trong từng lĩnh vực vận tải hành khách nói riêng và trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, cần quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát, xử lý thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng cần có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời đối với các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.