Trong 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã huy động trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng và đã tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm, quan trọng, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Là tỉnh miền núi, nằm sâu trong nội địa và chịu nhiều tác động thiên tai, nhưng trong 5 năm gần đây kinh tế - xã hội Yên Bái phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt; tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm); quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%), GRDP bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng trong thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng).
Trong đó, việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng cho kết nối phát triển kinh tế địa phương, kinh tế vùng và thu hút đầu tư tại tỉnh Yên Bái.
Giám đốc Sở GTVT Yên Bái Đỗ Văn Dự cho rằng, một trong những kết quả nổi bật mà tỉnh và ngành giao thông đạt được là kết tinh của việc triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các đề án tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tạo bước đột phá quan trọng về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng và đã tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm, quan trọng, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Cụ thể, trong 5 năm qua, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 2 cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, bê tông hóa gần 1.800km đường giao thông nông thôn (GTNT), 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 21%; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới được 138,5km đường tỉnh; trên 73km đường đô thị và trên 3.359km đường GTNT; trong đó, kiên cố được trên 1.019km đường bê tông, mở mới, mở rộng được trên 185 km...
Một số dự án trọng điểm hoàn thành đi vào khai thác đã, đang phát huy hiệu quả và trở thành trục động lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương như dự án: cầu Tuần Quán; cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; đường vành đai suối Thia kết hợp phát triển quỹ đất thị xã Nghĩa Lộ...
Có thể nói, đây là những dự án có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc, nhất là các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra diện mạo mới từ thành thị đến nông thôn.
Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài là 8.723,1km; trong đó, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa phận Yên Bái dài 80,5km; quốc lộ có 5 tuyến với tổng chiều dài là 401,6km (gồm: QL70 dài 84 km; QL32 dài 175 km; QL32C dài 17,5km; QL37 dài 97,5km, QL2D dài 27,6km); đường tỉnh có 14 tuyến, với tổng chiều dài 491km; đường đô thị 280km và 7.470km đường GTNT gồm: đường huyện 1.423 km; đường xã 3.302 km; đường thôn bản 2.745km...
Tính riêng từ 2016 - 2019, Yên Bái đã đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 9 dự án đường tỉnh với chiều dài trên 138,5 km, với kinh phí trên 502,578 tỷ đồng (đường cảng Hương Lý - Văn Phú có chiều dài 7,8km; đường Yên Thế - Vĩnh Kiên (đoạn Cẩm Nhân - Xuân Long - Yên Thế), có chiều dài 25,9 km; đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, có chiều dài 7,3km; đường Văn Chấn - Trạm Tấu, có chiều dài 27,5km; đường Hợp Minh - Mỵ, có chiều dài 3,4km; đường Mậu A - Tân Nguyên, có chiều dài 4,2km; đường Yên Bái - Khe Sang có chiều dài 16km; đường Âu Lâu - Đông An (ĐT.166) có chiều dài 48,5km...
Bằng mọi sự nỗ lực, đến nay, hệ thống giao thông từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu và định hướng trong phát triển những năm tiếp theo, Yên Bái tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, tập trung nguồn lực cho các công trình giao thông trọng điểm có tính đột phá kết nối các vùng trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo được động lực phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại, giảm chi phí, thời gian đi lại, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, nâng cao đời sống nhân dân.