Nam Định: Thực hiện các quy định mới trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

Thứ hai, 03/08/2020 08:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh, những tháng đầu năm 2020 Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã quán triệt tới các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ và Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8/10/2019 của Bộ GTVT.

Nhờ đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng công tác tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh vẫn được tổ chức chặt chẽ đúng quy định. 

Đào tạo lái xe ô tô tại Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm.

Theo quy định của Nghị định 138/2018/NĐ-CP và Thông tư 38/2019/TT-BGTVT có nhiều điểm mới siết chặt hơn quy trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe ô tô. Trong đó, chương trình đào tạo lái xe ô tô hạng B1, B2 và hạng C có thêm nội dung học về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; bổ sung thêm 2 môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Từ ngày 1/5/2020, ứng dụng công nghệ tại các cơ sở đào tạo để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Trình tự sát hạch mới là lý thuyết - mô phỏng - trong hình - trên đường và nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô tô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ ngày 1/1/2021 và sát hạch từ ngày 1/5/2021.

Từ ngày 1/1/2020 các cơ sở đào tạo phải thực hiện giám sát bằng camera giám sát độ phân giải cao đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch (xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc…) để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT. Thực hiện các quy định mới về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô, Sở GTVT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Đến thời điểm 1/1/2020, cả 4 cơ sở đào tạo lái xe ô tô các hạng trên địa bàn tỉnh gồm: Trường Trung cấp GTVT Nam Định (Sở GTVT); Phân hiệu 2 Trường Cao đẳng Nghề số 3 (Bộ Quốc phòng); Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm và Trường Cao đẳng Nghề số 20 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đúng các quy định mới về công tác đào tạo, sát hạch lái xe của Chính phủ và Bộ GTVT. Ông Trần Thọ Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm cho biết: Cuối năm 2019, Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm đã triển khai lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch. Trong quá trình sát hạch hình ảnh, âm thanh, kết quả được công khai, minh bạch và truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trường cũng triển khai cập nhật các nội dung Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt áp dụng vào phần học môn pháp luật giao thông đường bộ. Đặc biệt, cuối tháng 4/2020, Trường đã hoàn thành đầu tư 1 máy chủ, 2 máy trạm và hệ thống nhận diện khuôn mặt, vân tay và thẻ từ để giám sát thời gian học lý thuyết đối với các học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Công tác chuẩn bị bộ đề sát hạch lý thuyết cũng được Trường khẩn trương hoàn thành và được các Sở LĐ-TB và XH, Sở GTVT thẩm định. Đến nay, Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm đã tuyển sinh được 1.420 học viên học lái xe ô tô các hạng.

Trong năm 2020, để thực hiện đúng quy định về công tác đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, khi có quy chuẩn kỹ thuật cụ thể do Bộ GTVT ban hành, Trường dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để lắp đặt từ 3-5 thiết bị mô phỏng (ca bin tập lái); triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe tập lái để giám sát thời gian học thực hành của học viên. Theo đánh giá của Sở GTVT, việc hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ theo Nghị định 138/2018/NĐ-CP và Thông tư 38/2019/NĐ-CP đã góp phần quan trọng tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe; nâng cao ý thức của học viên, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo. Việc thực hiện nghiêm các quy định mới về đào tạo, sát hạch lái xe ô tô các hạng cũng là cơ hội để các cơ sở đào tạo lái xe hoàn thành lộ trình chuẩn hoá điều kiện giáo viên; xây dựng cơ sở dữ liệu giáo viên dạy lái xe trên phần mềm quản lý, bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật…

Để thực hiện nghiêm các quy định mới về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trong thời gian tới, Sở GTVT yêu cầu các phòng chức năng phối hợp với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe chủ động tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện và người lái thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật và tham mưu triển khai đầy đủ kịp thời các quy định mới đảm bảo công tác đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn đúng quy định; Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất nhằm phát hiện chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong công tác đào tạo lái xe, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các cơ sở trong triển khai các nội dung đào tạo mới theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT. Quản lý chặt chẽ về giáo viên dạy thực hành lái xe, thường xuyên cập nhật đầy đủ dữ liệu trên phần mềm quản lý, rà soát hướng dẫn cơ sơ sở đào tạo tổ chức tập huấn bổ sung lượng giáo viên đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe các công tác chuẩn bị để triển khai sử dụng bộ 600 câu hỏi dùng để sát hạch lái xe cơ giới đường bộ từ ngày 1/8/2020. Thanh tra Sở phối hợp tốt với Văn phòng Sở, Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện và người lái tăng cường thực hiện công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác đào tạo, sát hạch lái xe, triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra các trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn; tổ chức giám sát các kỳ sát hạch lái xe theo quy định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn.

Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ phải niêm yết công khai các khoản phí, lệ phí, nghiêm cấm việc thu phí qua các đầu mối trung gian; tổ chức đào tạo đảm bảo chương trình, thời lượng theo quy định, tăng cường quản lý học viên dự học, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra hết môn học, kiểm tra tốt nghiệp cấp chứng chỉ đào tạo đảm bảo chất lượng; tăng cường đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và duy trì thường xuyên các trạng thái kỹ thuật theo quy định, có kế hoạch thay thế các xe tập lái, xe sát hạch niên hạn cao, chủ động rà soát các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ./.

kimcuc

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)