Xác định tầm quan trọng của giao thông là đi trước mở đường, nhiều năm nay, trong điều kiện còn khó khăn, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế, cải thiện dân sinh, phát triển KT-XH.
Đường 435 (đoạn Bình Thanh - Ngòi Hoa) đã cơ bản hoàn thành, có thể thông xe, góp phần phát triển du lịch lòng hồ sông Đà.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đang chỉ đạo chủ đầu tư, ngành chức năng và các địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, chỉ đạo nhà thầu tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm bảo đảm tiến độ đề ra, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Công trình cải tạo, nâng cấp đường 435 có vai trò đặc biệt quan trọng thu hút đầu tư phát triển du lịch khu vực hồ Hòa Bình. Đường 435, đoạn Bình Thanh - Ngòi Hoa (dài khoảng 21 km), khởi công tháng 7/2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành, có thể thông xe, vượt trước kế hoạch 3 tháng. Đối với đoạn TP Hòa Bình - Bình Thanh (dài 10,2 km) đang được tháo gỡ khó khăn để tập trung nhân lực, tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành trước dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII.
Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các dự án giao thông trọng điểm như cầu Hòa Bình 2, dự án đường kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng kéo dài, dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12B đi quốc lộ 1... Theo đó, chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đôn đốc nhà thầu tổ chức thi công theo biểu đồ kế hoạch, phấn đấu sớm đưa các công trình vào khai thác, thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển KT-XH.
Nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình đã huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư những dự án giao thông quan trọng. Nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư, đưa vào khai thác mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác năm 2018 đã tạo sức nóng về thu hút các dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ… Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông các huyện, thành phố cũng được tập trung đầu tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển KT - XH địa phương.
Đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết: Hiện nay, cùng với quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông quan trọng, tỉnh chủ trương đầu tư các tuyến giao thông tạo sự liên kết vùng, giao thông đối ngoại; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hệ thống lưới điện; hạ tầng công nghệ thông tin; dịch vụ tiện ích tín dụng, hạ tầng thương mại dịch vụ, các trung tâm du lịch; các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trọng điểm, cơ sở y tế chất lượng cao nhằm thu hút các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển mạng lưới gắn phát triển giao thông kết nối vùng nội tỉnh với gia tăng mối giao lưu giữa Hòa Bình, Hà Nội và các tỉnh lân cận khác nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh, tập trung giải pháp, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cầu Hòa Bình 2, cầu Hòa Bình 4, cầu Hòa Bình 5, đường giao thông kết nối TP Hòa Bình gắn với chống biến đổi khí hậu, các trục giao thông kết nối ngang giữa đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12 và quốc lộ 6, tuyến đường tránh qua các thị trấn, thành phố, các trục trung tâm của đô thị TP Hòa Bình và các thị trấn trong tỉnh. Triển khai dự án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.
Tích cực tranh thủ sự ủng hộ của T.Ư, Bộ GTVT sớm khởi công dự án đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình giai đoạn 2 để đạt tiêu chuẩn đường cao tốc theo như quy hoạch; cải tạo quốc lộ 70, quốc lộ 15, quốc lộ 21, đường vành đai 5... đoạn qua tỉnh Hòa Bình. Phối hợp tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống quốc lộ, đường tỉnh từng bước đưa vào cấp kỹ thuật theo quy định hiện hành (quốc lộ cơ bản đạt cấp III; đường tỉnh cơ bản đạt cấp IV); giao thông đô thị phát triển theo hướng hiện đại, đường huyện đạt tối thiểu cấp V, đường xã đạt tối thiểu cấp VI. Tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư xây dựng các cảng cạn tại TP Hòa Bình và huyện Lạc Thủy, các cảng, bến thủy trên sông Đà, sông Bôi nhằm nâng cao năng lực vận tải đường thủy.