Hà Nội: Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng xe buýt

Thứ tư, 16/09/2020 08:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách, thời gian qua các đơn vị tham gia vận chuyển hành khách công cộng đã liên tục đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước thay thế xe cũ bằng các loại xe mới đạt tiêu chuẩn châu Âu, xe sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Đến thời điểm này, Hà Nội tự hào là địa phương đi đầu cả nước về chất lượng xe buýt với đoàn phương tiện có “tuổi đời” trung bình chỉ 3,6 năm và không còn phương tiện trên 10 năm hoạt động.


Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về chất lượng xe buýt

Liên tục đầu tư, thay thế phương tiện không bảo đảm an toàn

Tuyến xe buýt 17 (Long Biên - Nội Bài) do Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội (trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco) đảm trách thời gian qua khá hấp dẫn hành khách bởi sự phù hợp về lộ trình, tần suất hoạt động và đặc biệt là các phương tiện đưa vào khai thác đều có chất lượng tốt.

Chị Nguyễn Thu Anh (ngõ 301 đường Hồng Hà, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho biết, hằng ngày chị thường đi bộ ra điểm trung chuyển xe buýt Long Biên rồi lên xe buýt tuyến 17 đến công ty ở Cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê (huyện Đông Anh) để làm việc. “Trước đây tôi đi làm bằng xe máy nhưng sau đó chuyển sang xe buýt bởi tuyến này rất hợp lý, tần suất 10 - 15 phút/chuyến, thời gian hoạt động từ 5h - 22h hằng ngày. Các xe đều khá mới, không phải chờ xe lâu. Nếu đi sớm sẽ không sợ tắc đường, muộn giờ làm việc, lại an toàn hơn nhiều so với đi xe máy” - chị Thu Anh chia sẻ.

Tuyến số 17 chỉ là một trong số rất nhiều tuyến buýt được Transerco đầu tư thay mới phương tiện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Báo cáo của Transerco cho thấy, thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong 5 năm qua, Tổng Công ty đã đầu tư thay mới trên 500 xe buýt chất lượng cao tiêu chuẩn khí thải EURO 4, trong đó thí điểm 32 xe buýt sàn bán thấp tiêu chuẩn châu Âu.

Các phương tiện thay mới đều được trang bị màn hình LED hiện đại hiển thị lộ trình tuyến và nhận dạng thương hiệu (áp dụng màu sơn mới theo loại hình tuyến và triển khai nhận diện thương hiệu mới với hình ảnh chim bồ câu cách điệu gắn với biểu tượng Khuê Văn Các biểu trưng cho thành phố “Hòa bình và văn hiến”), hệ thống GPS được nâng cấp kết nối tự động thông báo điểm dừng đỗ theo hướng thuận tiện, gần gũi hơn với khách hàng...

Trong số các tuyến đã được đầu tư thay mới của Transerco, ngoài tuyến 17, có thể kể đến tuyến 10B (Long Biên - Trung Mầu), tuyến 13 (Công viên nước Hồ Tây - Cổ Nhuế), tuyến 05 (Khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn), tuyến 63 (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Tiến Thịnh)... Cùng với đó, các phương tiện cũng thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ nên luôn bảo đảm chất lượng trước khi ra tuyến hoạt động. Nhờ đó, hình ảnh những chiếc xe buýt cũ kỹ liên tục xả khói đen từng gây bức xúc cho người tham gia giao thông đã không còn xuất hiện.

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, không chỉ Transerco mà các doanh nghiệp xe buýt khác của thành phố thời gian qua đã nỗ lực đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện. Năm 2015 toàn thành phố đầu tư mới 126 xe, năm 2016 là 157 xe, năm 2017 là 328 xe, năm 2018 là 240 xe và năm 2019 là 270 xe.

Nỗ lực không ngừng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các đơn vị vận hành buýt trong các năm qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống xe buýt Thủ đô. Cho đến thời điểm này, Hà Nội tự hào là địa phương đầu tiên trên cả nước có đoàn phương tiện có “tuổi đời” trung bình chỉ 3,6 năm và không còn phương tiện trên 10 năm hoạt động trên mạng lưới buýt.

Đa dạng các loại hình phương tiện chất lượng cao

Cùng với liên tục đầu tư, đổi mới phương tiện buýt truyền thống, thành phố Hà Nội cũng đang nỗ lực đa dạng hóa các loại hình buýt chất lượng cao, sử dụng nhiên liệu sạch.

Đi đầu hưởng ứng chủ trương đầu tư, sử dụng dòng phương tiện buýt sử dụng nhiên liệu sạch trên địa bàn Thủ đô, có thể kể đến Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến với việc đưa 3 tuyến buýt sử dụng khí CNG (khí nén thiên nhiên) đầu tiên vào khai thác từ tháng 8/2018. Đó là tuyến CNG01 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây), tuyến CNG02 (Bến xe Yên Nghĩa - Khu đô thị Đặng Xá) và tuyến CNG03 (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Khu đô thị Times City). Xe buýt trên các tuyến này sử dụng nhiên liệu sạch nhưng vẫn áp dụng giá vé như xe buýt thông thường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho biết, nhiên liệu sạch CNG với thành phần chủ yếu là CH4 - metane (chiếm 85% - 95%) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO 5. Do thành phần đơn giản, dễ xử lý để loại bỏ các hợp chất độc hại nên khi đốt nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc và hầu như không phát sinh bụi so với các nhiên liệu khác.

Bên cạnh ưu thế vượt trội về tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường, xe buýt CNG có hệ thống hỗ trợ người khuyết tật lên, xuống xe và trên xe có thiết kế vị trí dành riêng cho xe của người khuyết tật. Mỗi xe sử dụng 3 bảng thông tin điện tử LED để hành khách dễ nhận biết về tuyến; có hệ thống wifi miễn phí, camera lắp trong xe và camera giám sát hành trình nhằm giám sát chất lượng công việc của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

Đánh giá về loại hình xe buýt nói trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước vấn đề đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông - vận tải được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt và Hà Nội cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép ưu tiên ứng dụng thí điểm các nhiên liệu sạch trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Việc thí điểm xe buýt CNG là bước đột phá trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, đúng với chủ trương của Chính phủ và thành phố Hà Nội. Sử dụng nhiên liệu sạch trong các hoạt động vận tải cần tiếp tục được nhân rộng để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt của Thủ đô, tạo ra hình ảnh xe buýt văn minh, hiện đại, dễ tiếp cận với hành khách và thân thiện với môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, sau 3 tuyến buýt sử dụng khí CNG đầu tiên, đến nay, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đã đưa thêm 4 tuyến buýt CNG vào khai thác. Đến nay, trên 7 tuyến buýt CNG đã có 102 phương tiện hằng ngày phục vụ đưa đón hành khách.

Cũng nằm trong nỗ lực đa dạng hóa các loại hình phương tiện buýt chất lượng cao, mới đây, Tập đoàn Vingroup - Công ty CP đã đề xuất với thành phố Hà Nội được đầu tư, tổ chức hoạt động 10 tuyến xe buýt mới sử dụng năng lượng sạch (xe buýt chạy bằng điện). Nếu được chấp thuận, Vingroup cam kết đầu tư 150 - 200 xe buýt điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư trung tâm quản lý và vận hành xe buýt thông minh, trạm kỹ thuật cùng hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối, bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống xe buýt điện; làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy chuẩn hiện hành...

kimcuc

Nguồn: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)