Giao thông đi trước mở đường để thúc đẩy phát triển KT - XH, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối. Các tuyến đường mới mở đã tạo ra sự bứt phá, là động lực phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thương trong và ngoài tỉnh.
Tuyến đường tỉnh 435 được cải tạo, nâng cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi
thu hút đầu tư vào khu du lịch hồ Hòa Bình.
Sau gần 2 năm đi vào khai thác, sử dụng, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh cũng như các tỉnh Tây Bắc. Con đường được xây dựng thông thoáng, từ TP Hòa Bình về Hà Nội đã rút ngắn trên 20 km so với quốc lộ (QL) 6, đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 1 giờ đồng hồ di chuyển. Tuyến đường đã kết nối tỉnh ta gần hơn với vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, mở ra cơ hội phát triển đô thị, du lịch, thương mại dọc tuyến. Giao thông thuận lợi chính là điểm cộng giúp tỉnh mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư, nhất là đón các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược đến với tỉnh.
Là người yêu thích du lịch hồ Hòa Bình, anh Hoàng Nam Bình ở Tây Sơn, Đống Đa (Hà Nội) năm nào cũng dành thời gian đến với vùng hồ mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tỉnh. Đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình lỗi hẹn với lễ hội đền Bờ. Tháng 7 vừa qua, nhân dịp các con được nghỉ hè, vợ chồng anh đã tranh thủ ngày nghỉ đi thăm quan lòng hồ để tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ và thưởng thức ẩm thực đất Mường. Anh Bình chia sẻ: Mọi năm, tôi thường đi từ cảng Bích Hạ, năm nay, để có thời gian ở trên hồ lâu hơn, gia đình đã đi từ cảng Thung Nai. Hiện, tuyến đường từ TP Hòa Bình lên Thung Nai (Cao Phong) đang thi công nên đi lại khó khăn đôi chút. Song chắc chắn khi tuyến đường hoàn thành sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch cho tỉnh. Bởi lẽ, không chỉ đi thăm quan hồ Hòa Bình, trên dọc tuyến này du khách có thể kết hợp thăm quan Bảo tàng không gian văn hóa Mường; Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan và trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã có tiếng từ rất lâu.
Những năm qua, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, kể cả hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh Hòa Bình được quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng đổi mới bộ mặt thành thị, nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Trên cơ sở quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được duyệt, các tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về AN-QP, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và được quan tâm đầu tư xây dựng. Cụ thể như: đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1 có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435, tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Hòa Bình 2, tổng mức đầu tư 590,8 tỷ đồng; dự án đường nối QL6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình) tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng; xây dựng cầu Trắng (TP Hòa Bình), tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 438B (Khoan Dụ - An Bình, huyện Lạc Thủy), tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; dự án đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, tổng mức đầu tư 309,6 tỷ đồng...
Ngoài ra, từ cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong NSNN và ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; giai đoạn 2017 - 2019, tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình và QL6 (đoạn thị trấn Xuân Mai - TP Hòa Bình) được đầu tư theo hình thức BOT, dự án xây dựng cầu Hòa Bình 3 (TP Hòa Bình) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA đã đưa vào sử dụng, góp phần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tăng khả năng kết nối với các tỉnh, khu vực lân cận.
Song song với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cũng được chú trọng. Theo Sở GTVT Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh có 10.339 km đường bộ; trong đó, quốc lộ có 320,46 km/7 tuyến; đường tỉnh 435,8 km/21 tuyến; đường huyện 805,68 km/76 tuyến… Ngoài 216,32 km quốc lộ do T.Ư trực tiếp quản lý (QL6, QL15, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - Hòa Bình), Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở GTVT tổ chức quản lý, bảo trì 697,3 km/28 tuyến đường bộ. UBND các huyện, thành phố tổ chức quản lý, bảo trì các tuyến đường huyện, đường đô thị; các tuyến đường còn lại do UBND cấp xã tổ chức quản lý, bảo trì. Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trong giai đoạn 2017 - 2019 là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đã được lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu trong 3 năm liên tục (các năm trước là đặt hàng từng năm). Từ đó đã lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực thực hiện có hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn về cơ bản êm thuận, an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân; không có đường bị xuống cấp, xuống loại. Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ và đường tỉnh cũng thường xuyên được kiểm tra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa chữa định kỳ theo quy định.